Quà tặng quý giá
Một trong những nguồn lực của kiều bào tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mang tính ổn định và giá trị đó là kiều hối. Để dễ hình dung, chúng ta có thể thấy từ khi đất nước mở cửa đổi mới đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 234 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cũng trong thời gian này, kiều bào đóng góp về Việt Nam khoảng 170 tỷ USD kiều hối.
Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 quốc gia có nguồn kiều hối gửi về nước nhiều nhất trên thế giới. Hàng năm nguồn kiều hối của kiều bào gửi về nước không ngừng gia tăng và ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, lượng kiều hối gửi về nước đạt 16,7 tỷ USD.
Sau nhiều năm liên tục tăng thì năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn kiều hối năm 2020 dự kiến giảm nhưng vẫn có đến 15,7 tỷ USD (tương đương 5,8% GDP) gửi về nước. Đây là một con số rất ấn tượng, rất ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu gặp khó khăn. Như vậy có thể khẳng định, kiều hối tiếp tục giữ vai trò quan trọng tạo ra nguồn vốn ổn định cho sự phát triển kinh tế, giảm gánh nặng nợ nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối, giảm thiểu rủi ro trong quá trình huy động vốn.
Để kiều hối vào sản xuất kinh doanh
Chúng ta đã và đang đối xử với kiều hối như thế nào? Để có vốn FDI, vốn ODA, chúng ta phải xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi; các cơ quan ban ngành tấp nập làm việc, kêu gọi đầu tư, vận động viện trợ, cam kết với đối tác… Với kiều hối, chúng ta chưa phải “tốn công” như vậy. Ngoài một số chính sách mang tính kinh doanh của ngân hàng, thì đâu là sự ưu đãi về chính sách khi kiều bào gửi kiều hối về quê hương và đổ vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội?
Hiện nay, kiều hối thường tập trung ở khu vực tư nhân. Do đó, việc đầu tư vẫn thường ở tính chất tư nhân nhỏ lẻ như mua vàng hoặc bất động sản. Kiều hối còn hạn chế tham gia đầu tư vào các dự án phát triển quy mô, có tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, tiềm năng nguồn kiều hối vẫn còn lớn nhưng việc đón nhận và sử dụng dòng tiền này chưa thực sự thuyết phục.
Để thu hút nguồn kiều hối về nước nhiều hơn và sử dụng kiều hối hiệu quả hơn, giao dịch tiện ích, an toàn hơn nữa thì Đảng và Nhà nước ta cần có chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý đối với hệ thống ngân hàng trong việc liên kết, liên thông và đa dạng hóa hình thức nhận - chuyển nguồn kiều hối từ các quốc gia trên thế giới, đảm bảo luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò điều tiết nguồn kiều hối tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, chăm sóc sức khỏe... mang tính bền vững, lâu dài. Cần có các chính sách cụ thể để “ưu đãi” nguồn kiều hối đổ vào đầu tư, vào sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính… nhằm tạo sức hút để kiều hối “chảy” vào làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, thông qua các chính sách cụ thể, Nhà nước cần tạo điều kiện mạnh mẽ hơn, có chính sách ghi nhận, hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào. Doanh nghiệp kiều bào đang gặp nhiều bất cập trong quá trình hoạt động như bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là về quỹ đất; vẫn còn sự nhũng nhiễu ở một số cơ quan đơn vị...
Doanh nghiệp kiều bào bị kẹt ở thế giữa, không phải công ty nước ngoài để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và cũng không phải công ty trong nước để hưởng chính sách khuyến khích đầu tư trong nước. Như vậy, cần sớm khắc phục bằng chủ trương, chính sách thiết thực hơn, tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ hơn nữa đối với kiều hối và nguồn lực doanh nghiệp kiều bào.
Hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp của Việt kiều đang đầu tư trong nước với khoảng 3.000 dự án, tổng số vốn hơn 9 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Doanh nghiệp kiều bào thực sự trở thành một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới. |