(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm 2016, một sự kiện diễn ra thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên tới Hawaii để cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Khu tưởng niệm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), sự cố mở đầu cuộc chiến tranh Nhật - Mỹ trong Thế chiến thứ II.
Chuyến thăm diễn ra sau 75 năm và là lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản đến khu tưởng niệm này, kể từ cuộc tấn công tháng 12-1941 của quân đội Nhật Bản nhằm vào căn cứ hạm đội hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, chính thức kéo Hoa Kỳ tham gia cuộc Chiến tranh thế giới II. Ông Abe và Obama đã đặt vòng hoa và mặc niệm những nạn nhân chiến tranh tại Đài Tưởng niệm USS Arizona - tên chiếc tàu bị đánh chìm trong trận Trân Châu Cảng, gặp gỡ các cựu binh Hoa Kỳ. Bày tỏ thái độ hòa giải, Thủ tướng Abe phát biểu: “Chúng ta không nên để sự kinh hoàng của chiến tranh tái diễn. Đây là lời thề trang trọng mà chúng tôi, người dân Nhật Bản, xin cam kết với những người lính đã an nghỉ trên tàu USS Arizona, người dân Hoa Kỳ và mọi người trên toàn thế giới”.
Trận Trân Châu Cảng diễn ra ngày 7-12-1941 khi quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản xấu đi. Lúc đó Hoa Kỳ cấm vận dầu mỏ và thương mại Nhật Bản, vì không muốn đế quốc Nhật Bản với ưu thế quân sự tràn xuống chiếm lĩnh các nước Đông Nam Á, mở rộng khu vực bành trướng. Về phía Nhật Bản, đòn tấn công bất ngờ này được hoạch định nhằm ngăn ngừa, giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ để không can thiệp đến cuộc chiến của Nhật Bản nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại các thuộc địa trong vùng của Anh, Hà Lan, Pháp, Hoa Kỳ...
Cuộc tấn công đã làm Hoa Kỳ tổn thất nặng nề: Hai đợt không kích với 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm và gây hư hỏng 4 chiếc khác; phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn; phá hủy 188 máy bay; làm 2.402 quân nhân tử trận và 1.282 người bị thương... Nhật Bản thiệt hại ít nhất, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm nhỏ, 64 người bị chết và 1 bị bắt. Cuộc tấn công là một sự kiện lớn trong Thế chiến thứ II, diễn ra bất ngờ khi không có một lời tuyên chiến chính thức nào đưa ra. Ngay ngày hôm sau 8-12, Tổng thống Roosevelt đã đọc Tuyên cáo chiến tranh, nêu rõ: “Hôm qua - một ngày của sự nhục nhã. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị các lực lượng hải quân và không quân của đế quốc Nhật tấn công bất ngờ và không tuyên chiến. Tôi yêu cầu lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản, kể từ ngày chủ nhật hôm qua 7-12-1941”.
Trước đó 7 tháng, Tổng thống Barack Obama đã trở thành vị nguyên thủ Hoa Kỳ đầu tiên cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến viếng Đài Tưởng niệm nạn nhân chiến tranh ở Hiroshima, nơi Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử đầu tiên ngày 6-8-1945, làm thiệt mạng lập tức 100.000 người ở thành phố này - sự kiện đã làm Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng, khép lại cuộc chiến đẫm máu Thế chiến thứ II. Cả hai cuộc viếng thăm, của Tổng thống Hoa Kỳ đến Hiroshima, của Thủ tướng Nhật đến Pearl Harbor, đều được công luận quốc tế đánh giá cao, riêng người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định hai nhà lãnh đạo hai nước thể hiện “sức mạnh tái hòa giải” và nhằm để đưa “hai quốc gia trở thành những đồng minh thân cận nhất”. Tuy nhiên ở cả hai nơi, hai vị nguyên thủ quốc gia đều không bày tỏ lời xin lỗi về các vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng này. Tổng thống Obama tại Trân Châu Cảng đã phát biểu trước Thủ tướng Nhật và công chúng: “Hành động lịch sử này cho thấy sức mạnh của sự hòa giải; cho thấy rằng ngay cả vết thương chiến tranh sâu nhất cũng có thể mở đường cho tình bạn và hòa bình”.
Chiến tranh qua đi luôn để lại những mất mát lớn. Hiện nay, riêng Khu Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ tại Hawaii mỗi năm vẫn thu hút 2 triệu du khách, những thân nhân thăm viếng trận địa kinh hoàng này.
Các tàu quân sự neo đậu ở Trân Châu Cảng. |
Khôi phục một chiến đấu cơ Hoa Kỳ trong Thế chiến II. |
Các loại thủy lôi hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến II. |
Du khách và thân nhân binh sĩ tử nạn viếng thăm Khu Tưởng niệm. |
Du khách tham quan Khu trưng bày vũ khí phòng không. |
Du khách tham quan hiện vật trưng bày tàu lặn U.S.S. Bowfin. |
Khí tài kỹ thuật bên trong một chiếc tàu ngầm. |
Binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú ở Trân Châu Cảng. |
Phục hồi chiếc tàu chiến bị Nhật Bản đánh chìm. |
Vũ khí bí mật của Nhật Bản trong cuộc chiến tại Trân Châu Cảng. |