Cần chủ động
Tổng cục Thống kê ngày 29-6 thông báo GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Như vậy lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ 2019.
Có thể thấy, điểm sáng trong 6 tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn, Việt Nam vẫn giữ được tỷ giá VNĐ với USD và các đồng tiền ổn định. Giá trị VNĐ được giữ vững, lượng dự trữ ngoại tệ của NHNN dồi dào, đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế. Giá vàng tăng theo giá vàng thế giới, nhưng mức độ tác động đến VNĐ và giá cả các hàng hóa khác không nhiều. Tuy nhiên, CPI chung vẫn cao (4,19%) so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn tăng giá rất cao trong năm 2019 và tiếp tục tăng trong năm nay. Một số mặt hàng khác như gạo, thuốc men, y tế, chất tẩy rửa phòng dịch… tăng cao khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Dịch bệnh lây lan đã làm nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Để ứng phó, các quốc gia đã có các gói hỗ trợ cực kỳ lớn để kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việt Nam cũng có những biện pháp ứng phó chống sốc nền kinh tế kịp thời. Đó là việc NHNN 2 lần liên tiếp hạ trần lãi suất tiền gửi và cho vay bằng VNĐ, tạo điều kiện cho các NHTM hạ lãi suất huy động và trên cơ sở đó dần hạ lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn. Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN tiếp tục hạ lãi suất liên NH và tạo động thái giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM.
Trong khi đó, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có các gói hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển chưa từng có trong và sau dịch Covid-19. Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, đã chủ động theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành và NHNN trong công tác điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá dịch vụ giáo dục, vận tải và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào, đảm bảo sự ổn định giá cả trên thị trường…
Áp lực 6 tháng cuối năm
Áp lực 6 tháng cuối năm
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay như Quốc hội đã đề ra. Thực tế, các kịch bản về lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2020 đều đã được các cơ quan chức năng dự báo với cả những tình huống xấu. Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Theo đó, kịch bản 1 CPI bình quân cả năm so với 2019 tăng khoảng 3,64%; kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%. NHNN dự báo CPI cả năm trong khoảng 3,7±0,5%.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo CPI cả năm theo 2 kịch bản: Kịch bản 1 tăng 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng 3,8-4,1%. Vấn đề đặt ra lúc này, để có thể giữ tốc độ tăng CPI ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội, là mục tiêu cực kỳ khó khăn.
Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và luôn chủ động các phương án phòng ngừa các dịch bệnh mùa hè và mùa thu, là giải pháp Chính phủ cần ưu tiên hàng đầu. Bởi đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, đáp ứng các điều kiện về lao động theo các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã ký kết. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định vĩ mô nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của doanh nghiệp và tránh tình trạng lạm phát do tâm lý.
Mới đây, theo thông tin từ SSI Research, VNĐ đã tăng giá khoảng 0,6% so với USD trong tháng 5, ghi nhận 2 tháng liền hồi phục mạnh, lấy lại gần như toàn bộ phần giá trị đã mất trong đợt sóng tháng 3. Tính từ đầu năm đến nay, VNĐ chỉ mất giá so với USD (-0,47%) và JPY (-1,34%), nhưng lên giá so với CNY (+1,97%), KWR (+5,78%), GBP (+6,35%), EUR (+0,51%).
Dẫu vậy, Chính phủ vẫn cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, để từ đó chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, ổn định và nâng cao giá trị đồng VNĐ, làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.
Kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả, sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, vấn đề kiểm soát giá chưa chặt chẽ. Giá các mặt hàng thực phẩm trong 6 tháng tăng 14,28% so với cùng kỳ 2019 đã làm CPI chung tăng 3,23%, trong đó riêng giá thịt lợn tăng rất cao 68,2%. Hay trong quý I, giá điện sinh hoạt tăng gần 10%, nước sinh hoạt tăng 4,75%, nên dù trong tháng 5 giảm 0,28% so với tháng 4 và tháng 6 giảm 2,72% so với tháng 5, nhưng cũng tác động làm tăng CPI.
Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch Covid-19, là tín hiệu khả quan. Song chặng đường 6 tháng cuối năm 2020 vẫn là áp lực lớn đối với chính sách điều hành của Chính phủ. |