Theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua dự kiến tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng Tết như mứt tết, bánh kẹo, bia đều đã lên kế hoạch tăng sản lượng để có thể đón đầu nhu cầu này cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hoá.
Từ sau tết Dương lịch đến nay, lượng khách hàng đến tìm hiểu và chọn mua các sản phẩm bánh kẹo tại các cửa hàng đã tăng lên. Mặc dù chưa phải đợt cao điểm nhưng dự kiến lượng hàng bán ra của cửa hàng sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Chu Thị Thu Anh - Phụ trách khối kinh doanh cửa hàng, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội - cho biết: "Theo dự kiến của chúng tôi, khoảng thời gian cao điểm sẽ là từ ngày 22 tháng Chạp, với đỉnh điểm mua sắm là từ ngày 24 cho tới ngày 30 Tết".
Ngoài các sản phẩm như bánh kẹo, mứt Tết, nước giải khát và bia cũng là các mặt hàng được dự báo có sức mua lớn. Dịp Tết năm nay, một số đơn vị đã tung ra các thiết kế sản phẩm mới phù hợp với sắc màu truyền thống dịp Tết, từ đó hấp dẫn người tiêu dùng để có thể gia tăng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đặng Nguyên Phương - Phó Trưởng phòng Marketing, Công ty Cổ phần Habeco - chia sẻ: "Tết năm nay, công ty áp dụng chính sách bình ổn giá để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của người dân, để có thể kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024".
Tại hệ thống bán lẻ này, họ đã làm việc với nhà cung cấp từ tháng 7 để đảm bảo không thiếu thực phẩm tươi sống và giá cả cũng không tăng trong giai đoạn tết nguyên đán.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long - cho biết: "Lượng thịt lợn tươi sống chúng tôi chuẩn bị tăng 15 - 20%. Giá thịt thì từ ngày 11 - 24/1 chúng tôi áp dụng giảm 10% nếu khách hàng đến mua từ lúc mở cửa đến 10h sáng, giá thịt đùi còn có 80.000 đồng, thẻ thành viên thì còn 72.000 đồng".
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất và các nhà bán lẻ vẫn đang phối họp triển khai các kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hoá Tết với mặt bằng giá cả phù hợp nhu cầu người dân.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu luôn được người tiêu dùng quan tâm dịp này. Để đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn, rau củ quả, các nhà bán lẻ đã chuẩn bị lượng hàng lớn. Tuy nhiên, không chỉ đảm bảo nguồn cung, mà cả mẫu mã, giá cả, hay các chương trình khuyến mãi cũng được chú trọng hơn trong dịp này.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ đưa ra các chương trình khuyến mại như ưu đãi lên đến 30% cho các sản phẩm được tiêu thụ nhiều như thực phẩm, đồ khô... Cùng với đó, trong giai đoạn trước tết nguyên đán các các loại giỏ quà cũng được bày bán với mức giảm giá hơn 20%.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ không thiếu các mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Bộ cũng sẽ có những đoàn kiểm tra liên ngành xuyên suốt để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, giá cả hàng hoá thực tế và đăng ký, đảm bảo bình ổn thị thường.