Tắc nghẽn vùng kinh tế Đông Nam bộ

(ĐTTCO) - Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, khu vực này hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ…
 Do vậy việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng là yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này cho cả khu vực.
Nhiều thế mạnh không ít rào cản
 Đông Nam bộ có đầu tàu rất mạnh là TPHCM, đóng vai trò dẫn dắt khá thành công nền kinh tế của cả khu vực khi có nhiều mô hình đột phá cho sự phát triển. Bình Dương cũng là thí dụ điển hình của việc xây dựng mô hình kinh tế thành công đối với một TP công nghiệp. Những mô hình cải cách dẫn đầu Việt Nam cũng đã hình thành ở Đông Nam bộ. 
Ông Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI
Đến nay, Đông Nam bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn 1,4-1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Đông Nam bộ còn là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, với mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung tập trung ở tứ giác TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu, đang mở rộng ra Long An, Tiền Giang.
Đây là vùng kinh tế có hệ thống cảng và hậu phương công nghiệp tốt, hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh trong không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng, đặc biệt có Cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sẽ được xây dựng). Tính đến nay, vùng chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thế nhưng, một thực tế buồn là nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho khu vực này chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, chưa tương xứng với những đóng góp to lớn của vùng. Hệ quả trong việc bất cân đối giữa đóng góp và nguồn thu được giữ lại là các mặt kinh tế - xã hội đều trong trạng thái quá tải nguồn tái đầu tư, thiếu động lực để phát triển và lan tỏa. Trong khi địa phương thiếu động lực, doanh nghiệp lại đang bị tận thu. 
Thiếu thốn nguồn lực, tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và chưa có một thể chế phù hợp cho hợp tác và liên kết vùng đang là 3 nút thắt đối với tăng trưởng của Đông Nam bộ. Theo đó, những nút thắt này nếu không được tháo gỡ tốc độ tăng trưởng của Đông Nam bộ sẽ đi xuống, cơ cấu kinh tế sẽ khó chuyển đổi, cơ hội bứt phá vươn lên hầu như không có. Quan trọng không kém, khi sức sống và động lực của vùng kinh tế Đông Nam bộ không còn mạnh mẽ như trước, tất yếu dẫn đến sự suy giảm kinh tế của cả quốc gia. 
Tắc nghẽn vùng kinh tế Đông Nam bộ ảnh 1 Kết nối giao thông thông suốt giữa TPHCM và  Bình Dương phải được triển khai mới giải quyết tắc nghẽn vùng kinh tế Đông Nam bộ.Ảnh: THÁI BẰNG 
Phải biết kết nối thế mạnh
Từ thực tế trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, đưa ra đề xuất phải quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, cần xác định lại cấu trúc vùng của khu vực Đông Nam bộ - Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TPHCM.
Bên cạnh đó, nên quy gọn để tránh phức tạp về cơ chế, chính sách; đề cao tư duy phát triển vùng, đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển vùng, trên nền tảng và thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân phát triển" vùng của TPHCM. Trong quy hoạch này phải rõ những vấn đề, như hạt nhân phát triển vùng; vai trò chức năng, vị thế của các địa phương trong vùng; cơ chế phát triển vùng…
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, cho rằng Đông Nam bộ với TPHCM là đầu tàu, cần phải phát triển các đô thị vệ tinh. Thí dụ, tại Đồng Nai, chính quyền phải phát triển đô thị Nhơn Trạch bằng cách sớm thi công cầu Cát Lát.
Như vậy việc thông thương giữa TPHCM và Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ rất thuận tiện. Hay để kết nối giao thông thông suốt giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, Bộ GT-VT phải nhanh chóng cho thi công tuyến đường sắt nối TP Mới Bình Dương về trung tâm TPHCM. Triển khai các dự án cầu, đường quan trọng này, tự khắc các đô thị vệ tinh quanh TPHCM sẽ phát triển vượt bậc, đồng thời cũng giúp TPHCM dần cởi bỏ những áp lực về quá tải hạ tầng, ngập nước, kẹt xe…

Các tin khác