Điều 8, khoản 1, điểm đ thông tư này quy định: "Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế". Chỉ một câu trong thông tư này thôi nhưng hệ quả của nó được ví như một "quả bom" đối với ngành thương mại điện tử đang rất tiềm năng.
Căn cứ pháp lý có vấn đề?
Trong khi đó, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, khấu trừ, nộp thuế. Luật quản lý thuế cũng quy định cá nhân kinh doanh phải tự kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Các doanh nghiệp băn khoăn khi hướng dẫn như vậy không biết thông tư 40 lấy căn cứ pháp lý từ đâu?
Về bản chất, một sàn thương mại điện tử không phải là một đơn vị trả thu nhập; đây thực ra là một cái chợ công nghệ do doanh nghiệp sở hữu cung cấp để bên bán và bên mua kết nối với nhau, thực hiện được giao dịch tiện lợi với chi phí thấp nhất.
Các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử chắc chắn phải đau đầu với quy định mới. Hiện pháp luật quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế. Nhưng làm sao các sàn biết doanh thu, thu nhập người bán trên sàn thực sự thế nào?
Thời gian có hiệu lực của thông tư từ 1-8-2021, với thời gian gấp gáp như thế cách nào để thực hiện? Với những doanh nghiệp có nền tảng xuyên quốc gia, chắc chắn việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam là không dễ.
Luật quản lý thuế quy định cá nhân kinh doanh phải kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh, nay khi các doanh nghiệp sàn phải khai tại Hà Nội và TP.HCM, liệu có phù hợp với luật và có tạo chồng chéo? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà doanh nghiệp không trả lời được. Điều mà doanh nghiệp biết chắc chắn là chi phí thực hiện quy định này sẽ cực kỳ lớn.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp, điều đáng lo nhất của các sàn thương mại điện tử là mất khách hàng. Để kê khai và khấu trừ thuế thì khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch.
Cơ quan nhà nước chắc cũng khó bắt ban quản lý chợ truyền thống phải đi quyết toán, nộp thuế thay cho các tiểu thương như trên chợ điện tử!
Lo rủi ro chính sách
Một doanh nghiệp nói với tôi rằng rủi ro từ thương trường, từ cạnh tranh đã khắc nghiệt, nhưng rủi ro từ thay đổi chính sách, pháp luật có khi lại khắc nghiệt hơn nhiều lần.
Thương mại điện tử là một xu hướng tiến bộ, văn minh, cần khuyến khích, một mô hình mua bán mới chưa hình thành được thói quen của người dùng tại Việt Nam; trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành hàng đã miệt mài, nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn để kéo được người sử dụng trong bối cảnh không có nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước, thì những chính sách như thông tư 40 lại có thể nhanh chóng làm tiêu tan nỗ lực trên. Đó là điều các cơ quan soạn thảo chính sách cần phải rất cẩn trọng.
Doanh nghiệp bị "đánh lạc hướng"?
Có một điều đáng lo ngại từ quá trình soạn thảo thông tư 40 này là dự thảo trước đây được công bố rộng rãi lấy ý kiến không hề có chế định này, các doanh nghiệp khi tìm hiểu góp ý đã từng khá yên tâm.
Khi các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nghe thấy quy định này có khả năng được đưa vào thì mới chủ động liên hệ Tổng cục Thuế đề nghị góp ý.
Tiếc là cuộc gặp góp ý như dự kiến với Tổng cục Thuế ngày 15-6-2021 đã trở thành cuộc họp phổ biến quy định mới vì thông tư đã được ký ban hành từ ngày… 1-6-2021.
Quy định ban hành đã hơn nửa tháng trời mà doanh nghiệp trong ngành không hề hay biết. Các doanh nghiệp cũng không biết ban soạn thảo thông tư 40 khi đưa những chế định quan trọng và lớn như thế này đã kịp đánh giá tác động kinh tế - xã hội, đã lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hay chưa?!