Cục Đường bộ Việt Nam vừa chính thức lên tiếng về việc tạm dừng thu và thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình BOT đối với dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900-Km73+600 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Tạm dừng thu phí, tiếp tục đàm phán
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, trong quá trình thực hiện dự án trong thời gian kinh doanh khai thác dự án, một số điều kiện quy định tại hợp đồng dự án thay đổi (chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu…) và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án.
Quá trình đàm phán khi điều kiện hợp đồng thay đổi đã phát sinh một số vướng mắc của dự án do chưa có quy định cụ thể về điều khoản điều chỉnh tại hợp đồng dự án và chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (lãi bảo toàn vốn, tính lãi cho phần vốn khác nhà đầu tư huy động cho dự án, thời gian thu phí tạo lợi nhuận…)
Một số vướng mắc của dự án (lãi bảo toàn vốn, thời gian thu phí tạo lợi nhuận) cũng là vướng mắc chung của các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực.
“Những vướng mắc trên đã được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Nghị quyết số 11/2020, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải căn cứ pháp luật từng thời kỳ, quy định của hợp đồng dự án và điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009 của Chính phủ để thực hiện quyết toán các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư 166/2011 có hiệu lực thi hành,” lãnh đạo Cục Đường bộ cho hay.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao và ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo, xin ý kiến của bộ và chủ động đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các ngân hàng tài trợ và các đơn vị liên quan để giải quyết các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án.
Từ năm 2019 đến ngày 13/1/2023 (ngày tạm dừng thu dự án), Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát hợp đồng dự án, đàm phán 18 phiên họp với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (BVEC), nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc và đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận.
Tại thời điểm tạm dừng thu, dự án vẫn còn một số nội dung vướng mắc các bên chưa thống nhất phương án giải quyết như lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu (8,7%/năm) trong thời gian xây dựng và khai thác; tính lãi như vốn vay trong giai đoạn xây dựng đối với doanh thu thu phí giai đoạn 2009-2015 (375 tỷ đồng); phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác; thời gian thu phí tạo lợi nhuận.
Tuy nhiên, để tránh việc thu phí quá thời hạn của dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và quyết định việc tạm dừng thu phí dự án vào ngày 13/1/2023 để tiếp tục đàm phán, giải quyết vướng mắc.
Nhà đầu tư có trách nhiệm bảo trì dự án
Về công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình BOT, ngày 31/1/2023, BVEC có văn bản số 14/CT-KHKT, trong đó có ý kiến sẽ dừng thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì công trình đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án kể từ tháng 2/2023.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đường bộ khẳng định, theo quy định tại hợp đồng BOT, BVEC có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình BOT cho đến khi chuyển giao công trình BOT cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận công trình BOT. Trong thời gian chưa bàn giao công trình cho cơ quan quản lý đường bộ, BVEC chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác quản lý, bảo trì công trình dự án và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Trên cơ sở này, Cục Đường bộ đề nghị BVEC phối hợp với các cơ quan, đơn vị của cục bàn giao tài sản công trình thuộc dự án và thực hiện các thủ tục cần thiết để có cơ sở bảo quản, quản lý, bảo trì tài sản công trình bằng nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ (ngân sách Nhà nước) theo quy định.
Ngoài ra, Cục Đường bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cục khẩn trương phối hợp với BVEC hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình để thực hiện công tác bảo quản tài sản công trình theo quy định trong thời gian sớm nhất; hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình và xác lập quyền sở hữu toàn dân.
“Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị BVEC chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị trực thuộc cục để tiếp tục đàm phán xử lý các vuống mắc của dự án,” lãnh đạo Cục Đường bộ nhấn mạnh.