Cơ chế đặc thù, quản lý quy chuẩn
TPHCM hiện có nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Chính sách quản lý đô thị và cơ chế liên kết vùng giữa trung tâm và ngoại thành chưa theo kịp yêu cầu phát triển. TP thiếu hệ thống đường kết nối, do phát triển không đồng bộ khiến việc lưu chuyển hàng hóa rất chậm, các giao dịch kinh tế bị trì trệ, việc đi lại giữa các vùng gặp nhiều khó khăn…
Đơn cử, Phú Mỹ Hưng được mệnh danh là Singapore của Việt Nam, nhưng để di chuyển vào khu trung tâm TP rất vất vả do đường liên kết vùng không xứng tầm, tuyến đường chính để đi Nguyễn Hữu Thọ luôn bị tắc nghẽn, cầu Kênh Tẻ được mệnh danh là cầu “dài” nhất TP, xe chạy hơn 1 tiếng vẫn chưa qua được cầu.
Trước thực trạng trên, TPHCM cần xác định phát triển theo hướng đô thị thông minh (ĐTTM), tức không thể chấp nhận kẹt xe, sự chật chội ở hầu hết con phố, việc đi lại gặp quá nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Bên cạnh đó, các giao dịch bị đình trệ và sự quá tải nghiêm trọng ở các bệnh viện, trường học, tù túng trong các chung cư cao tầng… đã làm cho TP trở nên ngột ngạt.
Muốn khắc phục điều này phải đưa ra những công cụ, tiêu chí, quy chuẩn để quản lý và kiểm soát quá trình phát triển đô thị bằng những giải pháp theo cơ chế đặc thù, nhằm xây dựng TP đi vào nề nếp, sạch đẹp thông thoáng, tiện ích.
Giải pháp trước mắt là giải quyết vấn đề nhập cư và di dân vào trung tâm, bằng cách các sở, ban, ngành rà soát lại và xây dựng quy chuẩn cho ngành mình. Chúng ta không nên hô hào cấm xe vào trung tâm TP mà chỉ phân loại chúng phù hợp trên các tuyến đường.
Cần giải quyết tận gốc việc hạn chế người dân di chuyển vào nội ô bằng cách di dời các mục đích công việc hay giao dịch họ cần ra ngoại ô. Nhìn những ngày Mùng 1, mùng 2 Tết… TP vắng như thế nào, chúng ta sẽ hình dung ra những giải pháp cần làm.
Ngành chức năng cần yêu cầu các trường đại học, trung cấp… phải cam kết di dời đúng thời hạn ra ngoại thành như chủ trương của TP. Không thể chấp nhận việc cấp đất cho xây trường chỉ rào lại giữ chỗ, không xây dựng hoặc xây dựng mang tính cầm chừng.
Chẳng hạn như Đại học Văn Hiến, chủ trương cấp đất ở làng đại học khu Nam cuối năm 2012, nhưng đến nay trường xây chưa xong. Các bệnh viện trong nội ô cũng đang quá tải, 1 giường nhỏ 2 bệnh nhân nằm chung, thậm chí kê thêm giường ngoài hành lang.
Cụ thể, như Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải từ ngoài cổng cho đến các khu khám, chữa bệnh… Ngành y tế cần lên kế hoạch khẩn trương xây dựng cơ sở mới cho di dời ra ngoại ô TP, để giảm bớt lượng người thăm nuôi, lượng xe đưa đón, xe cấp cứu vào trung tâm TP.
Cần hạn chế phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít đầu tư chất xám và giá trị không cao ở trung tâm. Trung tâm TP giá trị nhà đất rất cao, giá trị vô hình rất lớn, cần đầu tư làm những việc xứng tầm. Các cơ sở vật chất hiện đang có nên dùng vào việc nghiên cứu nâng cao để tạo ra giá trị gia tăng, hoặc chỉ để nghiên cứu điều trị các bệnh nặng… Các trường đại học cũng sắp xếp theo quan điểm này.
Đặc biệt, cần có lộ trình di dời các trung tâm hội nghị, nhà khách thường xuyên tổ chức hội nghị lớn ra ngoại thành, kể cả các sàn giao dịch bất động sản, cùng các sơ sở tiểu thủ công nghiệp, may mặc, gia công…
Bên cạnh đó, hạn chế xây dựng các chung cư cao tầng trong nội ô TP - nguyên nhân làm tăng số lượng các phương tiện giao thông, tăng tầng suất và mật độ đi lại của con người, gây tình trạng kẹt xe, gây xáo trộn cuộc sống và giảm chất lượng môi trường sống. Việc di dời cần thực hiện một cách khoa học, bài bản, xây dựng đường xá đủ độ rộng để kết nối với các vùng…
Phát triển TP theo dự báo tương lai
Cần có tầm nhìn và sự đầu tư nguồn vốn, cùng chính sách linh hoạt, tạo lực cho TPHCM phát triển xứng tầm là ĐTTM. Sự tiên phong và phát triển của TP cũng chính là động lực cải cách và phát triển chung của cả nước. |
Thực hiện việc này không cách nào khác phải tăng cường dự báo sự phát triển của TP trong tương lai để tạo ra những giải pháp, hướng mở trong định hướng phát triển, tránh những bế tắc, tạo nên sự chuẩn bị cho quá trình phát triển bền vững lâu dài trên cơ sở khoa học dự báo.
Từ tầm nhìn đó, TPHCM nên mạnh dạn quy hoạch các huyện lân cận thành quận; quy hoạch, phân đường, chia thành phường ở các huyện, nhất là Bình Chánh; định hướng, định vị nơi ở cho họ trong tương lai, để người dân mạnh dạn di cư đến sinh sống, đầu tư. Các con đường cần phải đảm bảo đủ độ lớn tham gia giao thông lâu dài, kết nối được các trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Hiện nay, tâm lý ngại mua đất huyện vì tư tưởng huyện không phát triển bằng quận, đặc biệt là đất huyện tốc độ tăng giá thấp, sống ở huyện có vẻ quê mùa không đẳng cấp bằng quận.
Hiện nhà đầu tư hạ tầng tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình TPHCM, nhưng hầu hết họ đều chọn địa bàn là quận. Tư tưởng này đã ăn sâu vào người dân, kể cả cán bộ, nên vấn đề di dân gặp nhiều khó khăn, quy hoạch nhưng họ không đến đầu tư. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, quá trình xây dựng các TP phần lớn do các nhà đầu tư phát triển bất động sản quyết định.
Nếu TPHCM mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc thù, nâng tầm các huyện lân cận thành quận, là vấn đề mang tính đột phá cao và sẽ được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Khi đó nút thắt của việc di dân ra ngoại thành được mở toan, không tốn nhiều chi phí. Từ đó, đánh giá lại để tạo ra những trung tâm mới, tạo ra các đô thị vệ tinh xanh, sạch.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chờ đủ các tiêu chí mật độ dân số phải đạt từ 10.000 người/km2 trở lên, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động… mới được lên thành quận, chẳng khác nào đồng ý cho phát triển tự phát, hỗn độn rồi sắp xếp sau. Việc này không khả thi và phản khoa học.
Cũng do chờ đủ tiêu chí theo quy định trên, hiện nay một số xã như Bình Hưng, Phong Phú, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), các khu dân cư phát triển sầm uất như Trung Sơn vẫn còn gọi là ấp, xã… Việc này giống như quản lý hành chính bị thụt lùi so với đời sống xã hội, đánh giá về đô thị còn lạc hậu, yếu kém so với sự phát triển tự nhiên.
TPHCM là nơi tạo ra nguồn ngân sách để chia sẻ với các địa phương khác. Trong tương lai TP sẽ cung cấp những khả năng tạo ra tiện ích để nâng tầm, làm thay đổi phong phú thêm cuộc sống của cư dân TP cũng như cho toàn vùng.
Vì thế, chỉ có kinh tế TPHCM tăng tốc mới có thể dẫn dắt kinh tế toàn vùng đi lên và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn cho kinh tế cả nước, từ đó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.