Tầm nhìn và cách đi mới cho EVFTA

(ĐTTCO) - Hơn 2 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có những tác động tích cực tới doanh nghiệp (DN) và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần hàng Việt ở châu Âu vẫn khá khiêm tốn. 
Phải hợp lực của các DN đi cùng nhau và hỗ trợ của Nhà nước để tận dụng lợi thế EVFTA.
Phải hợp lực của các DN đi cùng nhau và hỗ trợ của Nhà nước để tận dụng lợi thế EVFTA.
Vậy trong bối cảnh kinh tế thế giới và châu Âu có nhiều biến động, liệu các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn EVFTA? Câu trả lời là có, nhất là các nhóm ngành có nhiều ưu thế như rau quả, thủy sản, gạo… Song để tận dụng tốt DN cần vượt tâm lý lo ngại và hợp lực đi cùng nhau. 
Vượt qua tâm lý e ngại
Kể về câu chuyện bán gạo ở thị trường châu Âu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, tự hào cho biết đã xây dựng thương hiệu gạo Trung An tại châu Âu từ năm 2020. Ban đầu ban lãnh đạo công ty lo rằng việc này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu giảm (do trước đó xuất khẩu nhưng bao bì không có tên Trung An). Thế nhưng, đến nay khách hàng tại nhiều quốc gia của lục địa già lại rất ủng hộ. Thậm chí, tại thị trường Đức gạo Trung An đã khẳng định được vị thế của mình và cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng và giá bán với gạo Thái Lan (vốn có thương hiệu mạnh và lâu năm). 
Ông Bình chia sẻ, nhiều người cho rằng khi miễn thuế nhập khẩu gạo, châu Âu sẽ tăng độ khó về hàng rào kỹ thuật để bảo hộ DN trong nước. Thực tế, việc bảo vệ DN nội nước nào cũng làm, và với châu Âu dù có hay không có EVFTA, tiêu chuẩn chất lượng để nông sản vào thị trường họ cũng không bao giờ thay đổi. Hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, nên 80.000 tấn gạo nhập của Việt Nam chỉ là số nhỏ, do đó sẽ không bị “nhòm ngó” hoặc giăng hàng rào kỹ thuật để gây khó. 
“Điều quan trọng, chúng ta phải làm đúng, đừng nhập gạo thơm từ Campuchia hay Thái Lan sau đó gắn mác gạo Việt để xuất khẩu, hay xuất những loại gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hãy làm thật tốt hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0, mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt” - ông Bình bộc bạch và cho rằng muốn đáp ứng nhu cầu của người châu Âu chúng ta phải thực hiện tốt quy trình GlobalGAP.
Nói về một trong những rào cản khiến DN Việt chưa đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đánh giá nhiều DN còn e ngại những tiêu chuẩn kỹ thuật cao của thị trường EU nên vẫn chỉ xuất khẩu vào các thị trường truyền thống lâu nay vẫn làm. “Chính tâm lý e ngại khiến DN cảm thấy thị trường EU xa tầm với.
Chúng ta phải xác định đây là khu vực người dân có mức sống cao nên họ có quyền đòi hỏi sản phẩm mình sử dụng có tiêu chuẩn cao. Nếu DN không tìm hiểu, học các DN đi trước và bắt tay làm sẽ bỏ qua cơ hội. Bởi rau quả mới chiếm 2,7% thị phần tại EU, gạo cũng tương đương, thủy sản có nhỉnh hơn đôi chút nhưng cũng mới hơn 4% thị phần của thị trường EU” - ông Khanh chia sẻ. 
DN chưa xuất khẩu e ngại tiêu chuẩn, DN xuất khẩu rồi phần nhiều làm gia công giá trị thấp, việc xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường châu Âu đang trở thành bài toán không đơn giản. Thế nhưng càng khó càng phải quyết tâm. Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ làm việc với nhiều tỉnh/thành, chọn ra một hoặc nhiều mặt hàng chiến lược ở mỗi tỉnh/thành, từ đó tổ chức tập huấn, xây dựng kế hoạch dài hơi để DN có thể tận dụng cơ hội tốt nhất. Thành công của vài ngành hàng chiến lược sẽ trở thành động lực lan tỏa đến các ngành hàng khác. Cơ quan quản lý đã nhập cuộc, không lý DN lại đứng ngoài cuộc chơi này. 

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Trong hành trình tiến sâu vào thị trường EU để tận dụng tốt nhất những lợi thế EVFTA mang lại, việc đi cùng nhau của các DN, đặc biệt là DN trong cùng ngành hàng, rất quan trọng. Trở lại với câu chuyện xuất khẩu gạo của Trung An, ông Bình nhận định dù EVFTA mang lại lợi ích lớn cho DN mình, nhưng chừng đó chưa phải là những gì ông mong muốn. Hiện Trung An xuất với giá FOB 1.008USD/tấn (chưa có bao bì và vận chuyển), nhưng mức giá đó không hề cao. Gạo sạch Trung An bán cho người tiêu dùng Việt Nam hiện ở mức 1.000USD/tấn, tức bán vào châu Âu phải 1.500-2.000USD/tấn mới đúng giá trị thật của nó.
 “Vì thói quen mua bán cạnh tranh của không ít DN Việt luôn hạ giá bán để giành khách hàng, nên giá gạo Việt luôn thấp hơn giá trị thực. Gạo Việt Nam rất ngon và giá trị của nó trên mức 1.000USD rất nhiều. Người châu Âu cũng sẵn sàng trả mức giá cao nếu chúng ta cung cấp được gạo đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ” - ông Bình khẳng định. 
Thực tế, chuyện DN Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau, hạ giá bán không phải chỉ riêng trong ngành gạo, mà một số ngành khác cũng có. Điều này mang đến nhiều hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến DN khác trong ngành, ngay cả DN hạ giá bán, giành khách cũng chưa chắc tồn tại bền vững. Bởi lẽ, khi giá bán rẻ, việc đảm bảo chất lượng nhất là đi đường dài không hề đơn giản.
Trong khi đó, khách hàng đặc biệt là khách hàng ở các thị trường khó như châu Âu rất coi trọng sự ổn định của chất lượng sản phẩm. Chỉ cần lô hàng sau chất lượng không như lô đầu, DN sẽ đứng trước nguy cơ mất khách. Song quan trọng hơn, cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm xấu hình ảnh chung của một ngành hàng, đánh mất lợi thế lý ra thuộc về ngành hàng của mình. 
Thực tế việc đi cùng nhau trước là tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, sau cũng là giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các DN nhỏ, siêu nhỏ rất cần sự trợ lực của các DN lớn. Bởi để đi ra biển lớn, vào các khu vực thị trường như châu Âu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa, DN cần có đội ngũ chuyên nghiệp để hoàn thiện nhiều yêu cầu khác của đối tác nhập khẩu, điều mà DN nhỏ, siêu nhỏ còn rất yếu và thiếu. Đặc biệt, lúc này vai trò của các hiệp hội càng quan trọng hơn bao giờ hết.
 Đã đến lúc các ngành hàng xuất khẩu cần có nhiều tiếng nói chung để tạo ra sức mạnh “bó đũa” của hàng Việt ở các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường có FTA thế hệ mới để cùng xây thương hiệu, cùng hưởng lợi. 
 Cơ hội từ các FTA không tồn tại lâu, bởi các nước ký FTA với Việt Nam có thể ký thêm nhiều FTA với các đối thủ của Việt Nam. Vì thế các DN cần nhận định sớm và hành động nhanh. 

Các tin khác