Hiện nay, lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng mạnh. Theo báo cáo thống kê, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán; hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt có tới 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất 1 lần/tuần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều người dùng tại Việt Nam nhận được tin nhắn định danh (Brandname) mạo danh các ngân hàng với mục đích lừa đảo. Nội dung tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng có giao dịch bất thường và đề nghị khách hàng đăng nhập nếu không sẽ bị khóa tài khoản sau 24 giờ, kèm theo đường dẫn để dụ người dùng truy cập. Kết quả, nhiều người dùng nhẹ dạ làm theo đã bị lừa rất nhiều tiền.
Để bảo vệ thông tin tài chính và tài sản, các chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị người dùng nên cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi - đây là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng.
Các tổ chức tài chính hoặc đơn vị bán hàng sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu bạn cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM. Nếu bạn nhận được một tin nhắn có vẻ như là từ ngân hàng hoặc đối tác kinh doanh yêu cầu bạn nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, bạn có thể xác định đây là hành vi lừa đảo. Vì thế, gọi trực tiếp cho ngân hàng hoặc đối tác của bạn nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào.
Người dùng cũng không truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu bạn không biết rõ về nó; không lưu thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trên điện thoại để tránh trường hợp tội phạm mạng cài đặt phần mềm độc hại(malware) trên điện thoại và lấy toàn bộ thông tin của bạn. Vì thế, không phản hồi là cách đơn giản nhất để không bị lừa.
Bên cạnh đó, để hiệu quả bảo mật tốt nhất, người dùng nên chú trọng đảm bảo độ an toàn của thiết bị và trình duyệt của mình. Về bảo mật thiết bị, bạn có thể cài đặt phần mềm diệt virus mạnh trên máy tính, laptop, máy tính bảng và điện thoại.