Giá điện, xăng dầu cùng tăng
Bộ Công Thương đã lên phương án điều chỉnh tăng giá điện 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, tức tăng từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế VAT). Việc triển khai tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 này ước tính sẽ làm tăng CPI 0,26-0,31%.
Nguyên nhân điều chỉnh tăng là kết quả kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 2.220 tỷ đồng năm 2017, do doanh thu thấp hơn chi phí. Trong khi đó khoản chi phí của EVN năm 2018, 2019 sẽ tiếp tục tăng. Ước tính năm 2019, tổng chi phí của EVN đội lên khoảng 15.252 tỷ đồng, trong đó 3.516 tỷ đồng phát sinh tăng do tỷ giá hối đoái, chi phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường tăng thêm 10.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, quý I-2019 xăng dầu 2 lần chịu tác động về mặt giá cả. Ngày đầu của quý I, mặt hàng này được điều hành tăng thuế tương ứng 4.000 đồng trên mỗi lít. Và tháng cuối quý I, ngày 2-3 vừa qua, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh, dù đã xả mạnh quỹ bình ổn giá xăng dầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều hành tăng giá này của Liên Bộ Công Thương - Tài chính do giá xăng dầu thế giới tăng.
Nguyên nhân nữa từ ngày 1-1-2019, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu điều hành tăng kịch trần. Tăng thuế và/hoặc giảm chi tiêu của Chính phủ là một trong những biểu hiện của chính sách tài khóa thắt chặt, thường được triển khai để bình ổn và duy trì sự tăng trưởng ổn định cho dài hạn hơn, khi nền kinh tế hiện tại có dấu hiệu tăng trưởng nóng.
Nguy cơ dẫn đến đình trệ kinh tế
Nguy cơ dẫn đến đình trệ kinh tế
Xăng dầu và điện là nhóm hàng hóa không những ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng điển hình, mà còn quan trọng đối với nhà sản xuất, doanh nghiệp. Tăng giá kết hợp cả tăng thuế đối với nhóm này, sẽ trực tiếp tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu, từ đó giảm lợi nhuận. Từ mô hình tổng cung - tổng cầu kinh tế vĩ mô, cho thấy những ảnh hưởng của mức giá lên tổng cung hàng hóa và dịch vụ trong ngắn hạn khác với dài hạn.
Trong dài hạn, theo lý thuyết về sự phân đôi cổ điển và tính trung lập của tiền trong dài hạn, lượng cung hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi mức giá chung. Sản lượng của nền kinh tế sẽ đạt tại mức sản lượng tự nhiên, tương ứng với mức toàn dụng nhân công và tùy thuộc vào nguồn lao động, vốn vật chất, tài nguyên thiên nhiên, trình độ công nghệ. Nhưng trong ngắn hạn rất khác. Tổng cung hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế trong ngắn hạn có thể bị chệch khỏi lượng cung dài hạn, khi mức giá thực tế chệch khỏi mức giá người dân kỳ vọng.
Ảnh minh họa.
Kết thúc năm 2018, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535.300 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước đạt 58,5 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,08%. Việt Nam đặt mục tiêu CPI dưới 4% trong năm 2019 và GDP tăng trưởng khoảng 6,6-6,8%. Với tình hình giá cả hiện nay, mục tiêu ngắn hạn trong năm 2019 có thể bị thách thức.
Giá cả nói chung có tính kết dính, nghĩa là khi giá chi phí sản xuất tăng do giá điện và giá xăng tăng, sẽ dẫn đến nguy cơ tăng giá bán ra của doanh nghiệp. Nhưng trong ngắn hạn không phải doanh nghiệp nào cũng điều chỉnh tăng giá, do vướng mắc hợp đồng trước đó, hay chi phí thực đơn chẳng hạn. Và như vậy kết quả sẽ có sự xáo trộn trong mức giá tương đối giữa hàng hóa này với hàng hóa khác, gây nên những ngộ nhận do lợi nhuận doanh nghiệp giảm hơn so với mức kỳ vọng.
Mục tiêu CPI của năm 2018 cũng kìm dưới 4% giống như năm nay, nên mức giá tăng kỳ vọng của khối doanh nghiệp được thể hiện trong những hợp đồng kinh doanh được ký kết ở thời kỳ trước và hoàn tất trong kỳ 2019-2020, có thể chưa tính đến mức giá chung tăng nhiều hơn mức này. Như vậy, sự điều chỉnh giảm quy mô sản xuất của khối doanh nghiệp sẽ làm giảm sản lượng chung của nền kinh tế và mức giá chung tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cũng từ đó tăng theo, những đặc trưng của thời kỳ đình trệ kinh tế.
Điều tiết bằng chính sách tiền tệ hay tài khóa?
Điều tiết bằng chính sách tiền tệ hay tài khóa?
Khi tổng cung hàng hóa và dịch vụ suy giảm trong ngắn hạn, để bình ổn chính sách cần điều hành theo hướng thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế. Do vậy, nếu sử dụng chính sách tiền tệ, tương ứng với việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng tổng cầu để nền kinh tế đạt mức cân bằng, từ đó mới có mức sản lượng tăng bù trừ lại mức giảm sản lượng gây nên do chi phí sản xuất tăng (giá điện, xăng dầu, thuế tăng).
Điều này khiến nền kinh tế bình ổn được mức sản lượng hàng hóa và dịch vụ, nhưng ngược lại đối mặt với mức giá chung tăng nhiều, kéo theo đó thách thức mục tiêu CPI dưới 4% trong năm 2019.
Nếu áp dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tổng cầu, có thể cần cắt giảm thuế và/hoặc tăng chi tiêu của Chính phủ. Điều này có phần ngược với những gì đang xảy ra. Vì thông qua việc tăng thuế trên mặt hàng xăng dầu kịch trần, cho thấy chính sách tài khóa có xu hướng thắt chặt hơn là mở rộng.
Giả sử, chính sách sẽ mở rộng ở những khu vực khác trong nền kinh tế, hoặc sẽ tăng thu thuế, nhưng đồng thời tăng chi nhiều hơn nữa, cũng đòi hỏi sự chi tiêu đó đạt hiệu quả mạnh mẽ. Nghĩa là, sự chi tiêu 1 đồng của chính sách đòi hỏi phải thúc đẩy tổng cầu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế nhiều hơn 1 đồng.
Điều đó đòi hỏi phải chi tiêu thông minh vào những khu vực có xu hướng tiêu dùng biên cao của nền kinh tế, cũng như quản lý đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, cần tính toán kỹ cả hiệu ứng lấn át trong chi tiêu công có thể thúc đẩy tăng tổng cầu; phải lường trước tác động phụ có thể gây tăng lãi suất, ảnh hưởng tiêu cực đến cầu hàng hóa và dịch vụ đầu tư của nền kinh tế trong tương lai.
Mặc dù trong dài hạn, nền kinh tế sẽ tự điều tiết để mức giảm của tổng cung tăng trở lại. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam năm 2019-2020 là tâm điểm kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Những thách thức ngắn hạn vào thời điểm này cần được điều tiết tốt, để đảm bảo thành công trong huy động vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
Thị trường chứng khoán đang thay đổi thể chế, chào đón dòng vốn FII vào khối doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mở ra cơ hội thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ phân vân nếu kinh tế có dấu hiệu bất ổn, dù chỉ trong ngắn hạn.
Tình trạng đình lạm hay những dấu hiệu tiêu cực ở chỉ số CPI vào thời điểm quan trọng này, sẽ khiến thị trường Việt Nam giảm thu hút so với những quốc gia cùng hạng như Pakistan hay Sri Lanka. Theo đó, dòng vốn FDI, đặc biệt dòng vốn FII sẽ né tránh vào Việt Nam bởi nó rất nhạy với những thay đổi mang tính ngắn hạn của nền kinh tế. |