Hai năm qua, nhằm chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu vùng đã không được thực hiện. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế đang dần hồi phục, nhiều ý kiến đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần bàn bạc để sớm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, nhằm cải thiện cuộc sống cho người lao động trước tình hình giá cả thị trường đang ngày càng leo thang. Vậy điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng như thế nào là hợp lý để hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng của doanh nghiệp.
Hai năm qua, lương tối thiểu vùng không tăng trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, giãn việc, bị giảm thu nhập nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lao động dù đã quay lại thị trường nhưng vẫn phải mất một quá trình lao động tích cực, lâu dài mới có thể cải thiện cuộc sống như trước đây.
Do đó, khi được hỏi “niềm mong mỏi nhất hiện nay là gì”? nhiều người lao động trả lời ngay là được tăng lương, cải thiện thu nhập, bởi theo họ: Mức lương hiện tại còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, trong khi giá cả thị trường ngày càng leo thang. Nhiều lao động phải tăng ca thường xuyên mới đảm bảo nhu cầu cuộc sống xa quê.
Một số người lao động chia sẻ: Chúng tôi cũng mong Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để cho chúng tôi có đời sống được nâng cao hơn một chút. Lương tối thiểu vùng như bây giờ là công nhân chúng tôi khó khăn. Nói chung sống phải tằn tiện, còn lúc nào có công việc hay ốm đau là tiêu hết mà. Nhiều lúc cũng chán, cũng muốn về quê nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì phải cố gắng.
Nếu như phải thuê nhà, với mức lương hiện tại là quá khó khăn. Con tôi phải gửi về quê với ông bà chứ không dám ở trên này. Vì với mức lương tối thiểu vùng hơn 5 triệu đồng, với cộng các khoản tiền làm thêm giờ mới được hơn 7 triệu đồng thì cuộc sống 2 vợ chồng với 2 đứa con là quá khó khăn. Mong Nhà nước tăng lương để chúng tôi cải thiện cuộc sống.
Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có phiên họp bàn về lương tối thiểu vùng. Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - tổ chức đại diện của người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, thay bằng tăng lương tối thiểu vùng như thường lệ vào ngày 1/1 hàng năm.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất khó khăn.
Vì vậy, chúng ta đã “trì hoãn” tăng lương tối thiểu vùng, nhưng đến nay một số điều kiện đã đảm bảo để việc điều chỉnh tiền lương cần xem xét lại. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang dự kiến các phương án tăng lương tối thiểu vùng, song mức tăng được cho là phải đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng.
"Chúng tôi đang dự kiến các mức, nhưng chúng tôi nghĩ rằng phải đảm bảo làm sao mà bù được trượt giá của CPI. Riêng chỉ Quý 1/2022 thì chỉ số trượt giá là khoảng 2%, chưa kể những tháng tới đây diễn biến phức tạp rồi là trượt giá của 2 năm vừa rồi. Ít nhất phải bù được trượt giá thì mới giữ được tiền lương theo thực tế của họ.
Tuy nhiên, nếu tính toán đủ như vậy thì chúng ta phải tính đến khả năng của doanh nghiệp. Thông thường 5 năm vừa rồi, chúng ta có bình quân 7,4%. Nếu bây giờ chúng ta cứ nói là hai năm là 7,4% thì nhân 2 lên thành 14%, chắc chắn doanh nghiệp không chịu được, thì làm sao để hài hòa vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhưng cũng đảm bảo về khả năng chi trả của doanh nghiệp, tránh cú sốc" - ông Lê Đình Quang cho biết.
Trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của phía đại diện người lao động, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Catalan, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và ông Zhang Jian Hua- Phó Tổng giám đốc công ty TNHH khoa học kỹ thuật Goertek Việt Nam cho biết: "Khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của Catalan. Tuy nhiên, Catalan cũng là một trong những đơn vị có đầu tư máy móc rất hiện đại và tỷ lệ công nhân lao động, tỷ lệ quỹ tiền lương trong giá thành sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ. Chính vì vậy, đánh đổi 2 nội dung: Một là chi phí tăng lên, hai là người lao động của mình được hưởng nhiều quyền lợi hơn thì Catalan chúng tôi ủng hộ tăng lương.
Nếu Chính phủ có tăng lương tối thiểu thì cũng là do tình hình dịch bệnh 2 năm qua Chính phủ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu, lại thêm lạm phát và phát triển của xã hội, thì chúng tôi - phía doanh nghiệp sẽ ủng hộ và thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Vì hiện tại, lương tối thiểu mà Công ty Goertek Việt Nam trả cho công nhân lao động đang cao hơn lương Chính phủ quy định".
Về phía đại diện doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua nắm bắt của cơ quan này thì hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thông lệ hàng năm là hợp lý. Bởi đây là thời điểm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như năm tài chính của Việt Nam.
Bà Vi Thị Hồng Minh cũng nói thêm: “Thông thường đầu năm doanh nghiệp lập các kế hoạch, trong đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh, đến các chi phí kèm theo, trong đó có nội dung về chế độ chính sách cho người lao động. Thì khi xây dựng các chế độ, chính sách từ đầu năm thì doanh nghiệp sẽ phải nghĩ đến việc điều chỉnh các chế độ tiền lương cho người lao động rồi. Cho nên chúng ta tăng lương ở thời điểm đầu năm sẽ phù hợp cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như là điều kiện để doanh nghiệp có thể đưa ra những chính sách để người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp, động viên người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cả năm”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, Hội đồng sẽ lắng nghe đề xuất của các bên, sắp tới sẽ tổ chức phiên họp lần hai để bàn bạc cụ thể, lúc đó mới có thể đưa ra thông tin chính thức.