Ước tính trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng cần đạt trên 70 tỷ USD kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá, để thực hiện mục tiêu nêu trên. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các doanh nghiệp và Bộ, ban ngành.
Tính đến hết tháng 10, cả nước có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng hơn 18%, là nhóm hàng mới bước vào nhóm xuất khẩu chục tỷ USD.
Dù nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng tăng trưởng mạnh, nhưng mức tăng của một nhóm hàng này không thể đủ để tạo sự đột phá cho tăng trưởng xuất khẩu khi nhiều nhóm khác vẫn giảm. Dù vậy, bên cạnh đó vẫn có những nhóm hàng triển vọng.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Trong các nhóm hàng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD thì các nhóm hàng thuộc về nông sản, thuỷ sản, lâm sản sẽ có triển vọng xuất khẩu tốt trong 2 tháng cuối năm. Trong nhóm trên 10 tỷ USD thì có nhóm hàng dệt da, may mặc".
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu hồi phục. Lượng hàng tồn kho đang giảm dần, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là yếu tố chính tác động đến đơn hàng xuất khẩu. Hiện các cơ quan thương vụ đang nỗ lực giúp doanh nghiệp chạy nước rút dịp cuối năm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Coi hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động quan trọng nhất, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức các hoạt động kết nối tiếp xúc gặp gỡ giao thương với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để có thể giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam đưa vào hệ thống phân phối của Hoa Kỳ".
Năm nay mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương để hướng tới hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.