Nhiều chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng, cần quy định rõ Uber, Grab là một loại hình taxi để xây dựng một khung thể chế mới cho taxi công nghệ. Bên cạnh đó, để tạo ra thị trường taxi cạnh tranh, công bằng cần loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý với taxi truyền thống.
Bản chất Uber, Grab là taxi
Bản chất Uber, Grab là taxi
Tại hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, nhận định sau 2 năm thí điểm loại hình vận tải xe hợp đồng điện tử Uber và Grab, đang có sự bất cập về mặt định danh loại hình vận tải, bất công về mặt chính sách giữa xe hợp đồng điện tử với taxi truyền thống.
Hiện cả nước có trên 50.000 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng từ 9 chỗ trở xuống, sự phát triển quá nhanh này đã phá vỡ cơ cấu và quy hoạch vận tải của các địa phương, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Tính đến hết tháng 9-2017, Hà Nội đã cấp 21.800 phù hiệu, TPHCM cấp 28.355 phù hiệu cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
Việc xây dựng dự thảo nghị định thay thế NĐ86 đang lấy phương thức kinh doanh cũ làm cơ sở xây dựng khung pháp lý mới cho ngành vận tải nên tất cả đều bị bó buộc. Cần đặt nền tảng lấy cái sáng tạo, phương thức kinh doanh mới làm nền tảng để xây dựng khung thể chế cho ngành vận tải, qua đó bỏ được cái áo cũ chật chội, bỏ mọi rào cản với sự phát triển. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Việc quản lý, kiểm tra, xử lý đối với loại hình vận tải này tại các địa phương gần như bất lực, vì các xe hợp đồng điện tử đa phần không dán phù hiệu, logo để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, có thể đón khách ở những nơi cấm taxi, những nơi các hãng taxi truyền thống phải đấu thầu mới có quyền đỗ xe chờ đón khách. Trong 2 năm qua, Uber và Grab đã thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi. Theo Luật Cạnh tranh, 1 DN khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền, trong khi hiện nay Uber, Grab đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi.
Từ những phân tích trên, ông Tạ Long Hỷ kiến nghị cần xác định loại hình vận tải Uber và Grab đang triển khai và điều hành là taxi. Bởi xét trên nhiều góc độ 2 hãng này đều sử dụng xe dưới 9 chỗ, phục vụ yêu cầu theo hành trình của khách, cùng đối tượng khách hàng ở các đô thị lớn, thu tiền cước cho từng chuyến đi, cùng sử dụng phần mềm gọi xe để kết nối lái xe với khách hàng… giống như taxi truyền thống.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương dừng việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm. Phương tiện xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải dán logo của đơn vị vận tải kích thước tối thiểu 20x30cm trên 2 cánh cửa xe.
Đồng thời, trong nghị định thay thế NĐ86 cần quy định rõ kinh doanh vận tải bằng xe taxi có 2 hình thức: Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có hành trình, lịch trình theo yêu cầu khách hàng qua trung tâm điều hành, hoặc qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng, tính tiền bằng đồng hồ trên xe hoặc phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng (taxi tính theo đồng hồ); kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng, tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng, đón khách tại điểm khách đặt (taxi đặt xe qua mạng).
Xóa bỏ quy định trói buộc taxi truyền thống
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, nhận định việc dự thảo nghị định mới thay thế NĐ86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang đi ngược quy trình. Bởi lẽ, Luật GTVT 2008 đã tồn tại 10 năm, không còn phù hợp với tình hình mới. Vì thế, tinh thần nghị định mới phải xóa bỏ những quy định, thủ tục đang trói buộc DN, HTX vận tải.
Đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, thực chất là loại hình hoạt động mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực vận tải, mang lại lợi ích cho người dân, không nên hiểu và áp đặt các điều kiện kinh doanh taxi vào loại hình này. Thí dụ, với quan điểm “bổ sung điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử để cân bằng với các điều kiện kinh doanh của taxi” cần suy nghĩ ngược lại, là tháo gỡ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý hiện nay cho taxi truyền thống.
Theo đó, việc xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế NĐ86 nên mạnh dạn bỏ một số quy định xe hợp đồng phải ký bằng văn bản, phải có danh sách người đi, trước khi đi phải thông tin chuyến đi về Sở GTVT, vì những quy định này lãng phí cả thời gian, nhân vật lực của DN, HTX vận tải và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Nên bỏ các quy định và thủ tục hành chính về lựa chọn luồng, tuyến cố định vì đây là rào cản gia nhập thị trường, hạn chế quyền lựa chọn dịch vụ tốt của người dân. Đồng thời, không nên bổ sung các quy định mới “xe dưới 8 chỗ phải báo cáo thông tin chuyến đi về Sở GTVT sở tại; thẻ nhận diện lái xe”, vì như vậy Nhà nước can thiệp quá sâu vào việc sản xuất kinh doanh của DN, HTX vận tải.
Hơn nữa, việc bổ sung quy định xe trung chuyển phải găn GPS cần cân nhắc đến bài học đắt giá trước đây đã buộc 800.000 phương tiện vận tải trên cả nước phải gắn GPS, tốn kém 3.100 tỷ đồng nhưng thực tế khai thác lại không phát huy hiệu quả.
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy, việc xây dựng khung pháp lý cho ngành vận tải cần đạt được 3 yếu tố. Thứ nhất, những sáng kiến, sáng tạo trong ngành vận tải phải được tiên liệu trước trong khung chính sách, không hạn chế sự sáng tạo của các loại hình vận tải mới.
Thứ hai, coi vận tải là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại sự thịnh vượng. Thứ ba, không đặt mục tiêu quản lý DN vận tải mà đặt mục tiêu mang lại lợi ích tối đa cho người sử dụng, coi quyền lợi của khách hàng, người dân là mục tiêu cuối cùng trong xây dựng chính sách.
Vì thế, nếu không thay đổi tư duy và phương pháp xây dựng khung thể chế, dù nghị định mới có ra đời cũng không giải quyết được vấn đề đặt ra của ngành vận tải.