Thách thức nhưng có thể vượt qua

(ĐTTCO)-Dịch chuyển sang các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao hơn và tập trung vào đột phá công nghệ, đang là xu hướng nhiều quốc gia và TP lớn hướng tới để có thể vươn lên trở thành trung tâm tài chính (TTTC) toàn cầu. Các nhà chức trách đều tập trung xây dựng cho mình các TTTC với mục tiêu tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, có mức lương hấp dẫn và tận dụng hiệu ứng lan tỏa công nghệ. 
Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhận diện lợi thế để tận dụng
Tuy nhiên, dường như không ít người vẫn còn mơ hồ về lợi thế tự nhiên của địa phương để thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, và làm thế nào để tận dụng lợi thế đó làm bàn đạp để vươn lên quy mô toàn cầu. 
Đó là một trong những vướng mắc rõ ràng nhất mà TPHCM cần tìm ra lời giải cho bài toán trở thành một TTTC quốc tế. TPHCM có sẵn những lợi thế nào, nhu cầu sử dụng mảng dịch vụ tài chính nào có thể làm điểm tựa để phát triển ra toàn thế giới? Hơn nữa, đối với một thị trường tài chính còn nhiều quy định ngặt nghèo như ở Việt Nam, trước làn sóng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần làm gì để có thể chuyển mình trở thành TTTC quốc tế? 
Nhằm tiếp cận vấn đề này một cách thỏa đáng, chúng tôi áp dụng bài học kinh nghiệm từ việc phát triển Khu vực Vịnh Lớn ở miền Nam Trung Quốc, dự án kết nối Hồng Kông với Thâm Quyến để trở thành TTTC tầm cỡ quốc tế. Hồng Kông được biết đến như là một TTTC toàn cầu, nơi giao dịch tất cả các loại ngoại tệ mạnh, với nhiều loại sản phẩm tài chính và có nguồn vốn được phân bổ khắp nơi trên thế giới. 
Thâm Quyến, TP nằm trên Trung Hoa đại lục cách Hồng Kông không xa, lại thành công trong việc hình thành và nuôi dưỡng trong mình một TTTC lớn mạnh, chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước. Tuy mỗi TTTC đều có chiến lược phát triển riêng, nhưng những nhân tố nào tác động đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp và TPHCM có thể rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ chiến lược phát triển thị trường tài chính Khu vực Vịnh Lớn? 
Hồng Kông tuy nhỏ bé, đã trở thành TTTC toàn cầu nhờ nền kinh tế mở cửa. Chính quy mô nhỏ bé của nền kinh tế cùng sự thông thoáng đã tạo động lực thúc đẩy ngành dịch vụ tài chính chủ động tìm kiếm và đưa ra những sản phẩm đột phá so với đối thủ thay vì dựa trên lợi thế độc quyền.
Hơn thế nữa, Hồng Kông đã xây dựng được một thể chế pháp lý vững chắc, ngăn không cho các áp lực chính trị ảnh hưởng đến tranh chấp thương mại. Rất nhiều thương vụ đầu tư khắp châu Á chọn Hồng Kông là nơi xét xử trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Hồng Kông thành công trong việc thu hút các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao để phục vụ khách hàng cũng như để đầu tư. Chính chiến lược tập trung 2 chiều này đã giúp Hồng Kông hút về dòng tiền lớn để mang ra đầu tư lại trên toàn châu Á và thế giới. 
Trái ngược với Hồng Kông, Thâm Quyến tận dụng vị thế là một TP lớn của Trung Quốc đồng thời là căn cứ địa sản xuất sản phẩm cho toàn quốc để thu hút nhân tài cũng như phát triển thị trường dịch vụ tài chính. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại đây chủ yếu tập trung vào những công ty khởi nghiệp tại địa phương và môi trường công nghệ tập trung vào phần cứng và phần mềm cao cấp.
Một điều đáng chú ý là nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài đã có mặt tại thị trường Thâm Quyến, nhưng họ thường không tham gia vào các giao dịch giá trị lớn, vì thế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nguồn vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán tại đây là một trong những thị trường lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa và tổng doanh thu, tuy nhiên vẫn chỉ là sân chơi chủ yếu cho các nhà đầu tư trong nước. Tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng còn thấp so với thông lệ quốc tế. 
Do những quy định hạn chế về tài khoản vốn, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tại Thâm Quyến vẫn còn thấp. Ngân hàng là thế lực thống trị thị trường dịch vụ tài chính, ít vấp phải rủi ro cạnh tranh từ công ty nước ngoài do các quy định hiện hành về chống độc quyền không tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài phát triển tại đây. 

Biến TPHCM trở thành  một TTTC Quốc tế 
 TPHCM đang đối mặt với những thách thức và cơ hội hiếm có trên con đường trở thành một TTTC quốc tế. Cơ chế quản lý vốn ngặt nghèo, hệ thống pháp lý còn nhiều yếu kém và giá trị doanh nghiệp nội địa còn thấp đều là những thách thức lớn, nhưng hoàn toàn có thể vượt qua.
Trên cơ sở nghiên cứu sự khác biệt giữa Thâm Quyến và Hồng Kông trong quá trình phát triển thị trường tài chính, chúng ta có thể rút ra những điểm so sánh tương quan với TPHCM. 
Thứ nhất, TPHCM có một số điểm tương đồng nhất định với Thâm Quyến, đặc biệt trên cơ sở quản lý chặt thị trường ngoại hối và sự lấn át của ngân hàng nội. Điều này không nhất thiết bó buộc hướng phát triển của TP , nhưng nó cho thấy thực trạng thị trường và định hướng chiến lược cần đặt ra để vươn tới quy mô toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu xây dựng một TTTC toàn cầu, TP cần có kế hoạch nới lỏng quy chế cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó hậu thuẫn cho dòng vốn đầu tư từ Việt Nam ra các nước khác. Phát triển một TTTC toàn cầu là nhiệm vụ bất khả thi nếu dòng tiền không được tự do lưu chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. 
Thứ hai, để xây dựng một TTTC toàn cầu đòi hỏi sự quan tâm thích đáng đến khách hàng và các nhà đầu tư đến từ khu vực Mê Kông, Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Hiện tại, tuy đã xuất hiện những dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam hiện vẫn đang thiếu cơ chế giúp doanh nghiệp nước ngoài sở hữu thêm vốn trong công ty nội địa, cũng như giúp liên thông cơ hội đầu tư để phát triển thị trường tài chính và xa hơn là thị trường tài chính ở quy mô toàn cầu.
Dù là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dài hơi cần tỷ giá ổn định, hay khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với nhu cầu nhân lực có tay nghề, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang cần cơ chế cho phép sở hữu cổ phần công ty nội địa lớn hơn nữa. Hoàn toàn có thể xây dựng một TTTC quốc tế khu vực nếu như giới đầu tư hiểu biết trong nước được tạo điều kiện để đầu tư ở những nơi khác.
Việt Nam cần tập trung cải thiện nguồn tài sản nội địa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm khai thác nhiều cơ hội hơn nữa. 
Thứ ba, Việt Nam cần thay đổi hệ thống tài chính và hệ thống pháp lý về đầu tư để tăng sức hấp dẫn của TTTC TPHCM. Việt Nam đã dần mở cửa thị trường đầu tư, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần công ty nhiều hơn so với trước đây, nhưng môi trường đầu tư nhìn chung vẫn còn nhiều rào cản.
Mức độ tin cậy trong giao kết hợp đồng, khung pháp lý trong lĩnh vực đầu tư và ngân hàng cũng như vấn đề liên quan đến dòng vốn là những trở ngại chính trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành TTTC toàn cầu của TP. Có nhiều cách thức khác nhau để biến mục tiêu trở thành hiện thực, nhưng đều phụ thuộc vào yếu tố chính trị.
Chẳng hạn, TTTC toàn cầu của TP có thể hoạt động như một hình thức đặc khu kinh tế với quy chế và quy định riêng. Phương án này có thể giúp giải quyết vấn đề về dòng vốn và hệ thống pháp lý, tuy nhiên, cũng có thể phá vỡ những lợi ích mà một TTTC toàn cầu thực sự mang lại.
Những thay đổi lớn để giúp TP đạt được mục tiêu đòi hỏi cần có cái nhìn cởi mở hơn về mặt thể chế chính trị nhằm kích thích dòng vốn lưu thông và củng cố khung pháp lý tài chính để giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề chính trị này hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
TPHCM đang đối mặt với những thách thức và cơ hội hiếm có trên con đường trở thành một TTTC quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, TP cần cân nhắc, đánh giá đầy đủ về lợi thế tự nhiên và những khó khăn gặp phải trong quá trình tận dụng lợi thế. Nền kinh tế phát triển sôi động cùng sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang có mong muốn thâm nhập khu vực Mê Kông.
Cơ chế quản lý vốn ngặt nghèo, hệ thống pháp lý còn nhiều yếu kém và giá trị doanh nghiệp nội địa còn thấp đều là những thách thức lớn, nhưng hoàn toàn có thể vượt qua. 

Các tin khác