Trong 2 ngày 16 và 17-9, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ có cuộc họp quan trọng về chính sách tiền tệ liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, việc FED có tăng lãi suất trong tháng 9 hay không cũng không quá quan trọng vì vẫn còn 2 cuộc họp khác (ngày 28-10 và 16-12). Vì thế đây chỉ là vấn đề thời gian nhằm cứu vãn vị thế đang lung lay của đồng bạc xanh trong hệ thống tiền tệ Petrodollar FED đã tạo dựng từ năm 1973.
Sự sụt giảm dòng vốn Petrodollar
FED đã dừng chương trình nới lỏng định lượng QE3 vào tháng 10-2014 và trong suốt gần 1 năm nay nhà đầu tư luôn dõi theo mỗi phiên họp của FED, phân tích từng câu chữ để tìm ra được manh mối về chính sách của FED: khi nào sẽ tăng lãi suất? Tuy nhiên, FED luôn mập mờ trong việc này khiến giới đầu tư càng trở nên khó đoán. Tháng 12-2014, FED thay cụm từ “giữ lãi suất thấp trong một khoảng thời gian đáng kể” bằng “kiên nhẫn” ít nhất đến tháng 4-2015.
Và đến tháng 3-2015, FED lại bỏ từ “kiên nhẫn” chuyển sang “phụ thuộc quan sát các số liệu kinh tế”, khi nói rằng thời điểm thích hợp nhất để tăng lãi suất là tình hình việc làm đạt đến trạng thái toàn dụng và đạt mục tiêu lạm phát 2%”. Liên tiếp các cuộc họp sau đó, FED lại bỏ ngỏ thời điểm nào tăng lãi suất đã khiến nhà đầu tư hầu như mất phương hướng. Thời điểm nâng lãi suất cứ thế liên tục dời đến các buổi họp khác.
Không còn dòng chảy của đồng Petrodollar là một trong những thách thức vị trí thống trị của đồng USD. Bởi lẽ dòng tiền tái đầu tư này không chảy vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm sụt giảm thanh khoản, dẫn đến các thị trường tài chính bị suy yếu. Ngoài ra nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của khối OPEC vào Hoa Kỳ hay với đồng USD. Không có dòng vốn Petrodollar, khả năng in tiền của FED sẽ bị suy yếu. Đây là lý do khiến FED phải chuẩn bị cho việc dừng QE3 từ giữa tháng 6-2013, đồng thời cần tăng lãi suất đồng USD và cả trái phiếu chính phủ nếu như muốn hút trở lại dòng vốn Petrodollar. |
Việc FED tỏ ra mập mờ do đang ở trong thế lưỡng nan về chính sách lãi suất đối với đồng USD. Thực tế, từ năm 1973, sau khi Tổng thống Nixon phá bỏ bản vị vàng, dầu là thước đo mới giúp đồng USD giữ vị trí thống trị.
Theo đó, phía Saudi Arabia đồng ý giao dịch dầu bằng đồng USD trong khi Hoa Kỳ phải hỗ trợ cho Saudi Arabia có được vị trí quan trọng ở Trung Đông. Ngoài ra, phía Saudi Arabia phải đồng ý với 3 điều kiện: (i) Saudi Arabia sẽ đầu tư phần lớn số tiền thu được từ việc bán dầu mỏ vào các chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ. (ii) Số tiền lãi từ các chứng khoán của Hoa Kỳ Saudi Arabia nhận được sẽ được dùng để thuê các tập đoàn Hoa Kỳ tiến hành hiện đại hóa Saudi Arabia theo mô hình phương Tây. (iii) Giá dầu sẽ nằm ở mức phải chăng khi bán cho các tập đoàn Hoa Kỳ. Do đó, đồng USD trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia được gọi là “vòng lặp Petrodollar”.
Dầu được bán bằng USD, và đồng USD sau đó sẽ quay trở lại về Hoa Kỳ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ cũng như các nhà thầu xây dựng Hoa Kỳ. Năm 1974, Saudi Arabia đã mua 2,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ từ nguồn thặng dư dầu mỏ. Và ngày nay, 70% tài sản của Saudi Arabia nằm trong bảng cân đối tài sản của FED.
Hệ thống vòng lặp Petrodollar mang lại nhiều lợi ích cho Hoa Kỳ, như làm tăng cầu đối với đồng USD; mở rộng cung tiền không sợ rủi ro lạm phát hoặc phá giá đồng tiền; làm tăng giá các tài sản định danh bằng đồng USD trong đó có bất động sản; các nước phải tăng cường xuất khẩu hàng hóa qua Hoa Kỳ để có được đồng USD; tăng cầu đối với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, tạo ra thanh khoản cao hơn; có thể mua dầu bằng chính đồng USD.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống vòng lặp Petrodollar đang bị thách thức nghiêm trọng. Một trong những sự kiện làm thay đổi dòng chảy của hệ thống Petrodollar đó là sự kiện “Mùa Xuân Ả Rập 2011” nhằm phản đối tình trạng tham nhũng, đói nghèo (một phần do FED tung ra QE2 làm tăng giá lương thực), và hệ thống an sinh xã hội yếu kém.
Do đó, từ năm 2011, các quốc gia vùng Vịnh chịu áp lực tái đầu tư nguồn tiền từ việc bán dầu thô vào hệ thống kinh tế trong nước. Điều này dẫn đến khu vực vùng Vịnh giảm tái đầu tư đồng Petrodollar vào Hoa Kỳ.
Thất bại trong cuộc chiến dầu mỏ
Năm 2014, Hoa Kỳ và Saudi Arabia tiến hành cuộc chiến tranh dầu mỏ nhằm tổn hại nền kinh tế của Iran và Nga. Thực tế, đồng rúp của Nga đã giảm hơn 50% trong năm 2014 so với đồng USD khi giá dầu sụt giảm vì 40% nguồn thu của chính phủ Nga đến từ dầu và khí đốt. Tuy nhiên, cuộc chiến dầu mỏ là con dao 2 lưỡi. Nền kinh tế Nga vẫn chưa bị sụp đổ hoàn toàn và Putin vẫn trụ vững.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và Saudi Arabia bắt đầu thấm đòn trong cuộc chiến này. Đó là do Nga và các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây không còn tái đầu tư đồng USD vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Theo Bloomberg, Nga đã sử dụng 88 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2014 để chuyển đổi sang đồng rúp, có nghĩa Hoa Kỳ đã mất đi một dòng tiền từ Nga. Giá dầu ở mức thấp cũng gây ra tai hại cho hệ thống Petrodollar vì các quốc gia dầu mỏ không còn nhiều nguồn tiền để tái đầu tư vào Hoa Kỳ. Điều này thấy rõ đối với Saudi Arabia khi nước này dự báo mức thâm hụt ngân sách kỷ lục 17,5% GDP trong năm 2015 nếu giá dầu dưới 60USD/thùng.
Saudi Arabia cũng chứng khiến làn sóng rút vốn gần 8% GDP trong năm 2015. Đặc biệt, sau “Mùa Xuân Ả Rập”, chính phủ Saudi Arabia buộc phải tăng chi cho quốc phòng nhằm đảm bảo quyền lực chính phủ, chi tiêu an ninh xã hội. Theo ước tính của Reuters, giá dầu cần ở mức 80USD/thùng để giúp các quốc gia vùng Vịnh có được cân bằng ngân sách. Như vậy, trong cuộc chiến dầu mỏ này cả 2 bên đều chịu thiệt hại.
E ngại tác hại khi USD tăng giá
Giờ đây, FED đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khi đồng USD tăng giá. Theo Graham Summer, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Phoenix Capital Reseach, có một số lý do FED phải e ngại khi muốn tăng lãi suất. Thứ nhất, hơn 9.000 tỷ USD trong Carry Trade đồng USD, lớn hơn cả nền kinh tế Đức và Nhật Bản cộng lại. Đây là số tiền nhà đầu tư đã vay để đầu tư vào các tài sản khác. Khi bạn vay bằng đồng USD có nghĩa bạn đang bán khống nó. Nếu FED tăng lãi suất sẽ có làn sóng chuyển dịch từ đồng yen hoặc EUR sang USD. Điều này sẽ tạo ra rủi ro hệ thống.
Thứ hai, Trung Quốc đang hạ cánh cứng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc FED thắt chặt lãi suất sẽ tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, giá hàng hóa đang ở mức thấp và đồng USD mạnh sẽ khiến tình trạng giảm phát càng thêm trầm trọng. Đặc biệt tình hình giá năng lượng. Nếu USD mạnh lên chắc hẳn khiến giá dầu đi xuống sẽ làm tổn hại đến nguồn thu của các quốc gia Trung Đông. Đồng USD mạnh còn làm giá dầu thấp, tức gây tổn hại đến ngành khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ. Như vậy đồng USD mạnh sẽ khiến cả Saudi Arabia và Hoa Kỳ tổn thất.
Ảnh minh họa. |
Theo Reuters, hiện nay, chi phí khai thác dầu của Saudi Arabia chỉ xấp xỉ 20USD/thùng, các nước còn lại trong khu vực Trung Đông 24USD/thùng, Nga 26USD/thùng; trong khi đó chi phí khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ đang ở mức trung bình 40-50USD/thùng.
Thực tế cho thấy trong nửa đầu năm 2015, hơn 2/3 số dàn khoan khai thác dầu của Hoa Kỳ phải ngừng hoạt động (giảm từ 1.600 xuống còn gần 650 dàn khoan). Điều tồi tệ hơn, theo phân tích của The Economist, cấu trúc tài chính của các công ty khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ đang rất yếu, đồng thời sự mạnh lên của USD sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần và tạo ra làn sóng phá sản các công ty khái thác dầu đá phiến.
Thị trường chứng khoán toàn cầu từ Trung Quốc cho đến Hoa Kỳ đang rất hoảng loạn. Việc tăng lãi suất USD sẽ khiến thị trường này tổn thương nặng. Vì vậy, việc cứu đồng USD không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho FED vào lúc này. FED đang buộc phải tăng lãi suất đồng USD nhưng họ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bất lợi trước khi hành động. Vấn đề chỉ là thời điểm nào.