Thẳng thắn “chỉ trích” để được việc

(ĐTTCO) - Gần đây, trong một số buổi làm việc của các đơn vị thuộc TPHCM đã bắt đầu nhen nhóm xu hướng “chỉ trích lẫn nhau” - nói thẳng những điều chưa hài lòng về nhau trong công việc để rút ra các kinh nghiệm, bài học, đề xuất hướng giải quyết hiệu quả. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là tín hiệu tích cực để nâng cao vai trò trách nhiệm của từng đơn vị. 

Để TPHCM ngày càng phát triển, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để TPHCM ngày càng phát triển, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nói thẳng những hạn chế

“Người dân sống 19 năm trong khu tái định cư không đèn chiếu sáng, không nước sạch, UBND huyện Củ Chi đã gửi kiến nghị lên Sở TN-MT TPHCM từ năm 2018 nhưng sở chưa trả lời” - câu chuyện được đại biểu của huyện Củ Chi đưa ra thảo luận tại nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua làm nhiều người suy ngẫm. Hóa ra, vì chủ đầu tư gặp vướng mắc, chưa thể giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất nên 19 năm qua, các hộ dân ở khu tái định cư của Khu công nghiệp Tây Bắc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Ngay sau đó, Giám đốc Sở TN-MT đã lên tiếng “đính chính”, cho rằng Sở TN-MT đã nêu rõ vướng mắc của dự án trong các buổi làm việc, cũng như nhiều lần hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để nhanh chóng hoàn thành dự án! 

Cũng ở huyện Củ Chi, để giải quyết việc tái định cư của dự án Safari, UBND huyện đã chuẩn bị xong 161 nền, hiện còn một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Huyện đã kiến nghị nhiều lần để được bàn giao ngay 161 nền này cho người dân, nhưng chưa được trả lời. Còn ở huyện Nhà Bè, dự án cầu Long Kiểng kéo dài 20 năm cũng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng từ lâu và được huyện hướng dẫn mua nền của một công ty để tái định cư. Đến nay, các hộ này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết xong. 

Những câu chuyện trên đã thể hiện một phần nào thực tế: sự phối hợp, trao đổi thông tin trong công việc giữa các địa phương, sở ngành với nhau còn có sự chệch choạc nhất định. Trong phiên họp kinh tế - xã hội đầu tháng 7 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đã chỉ ra sự ách tắc: Có những việc quận huyện hỏi sở, mãi 5 tháng sau sở mới trả lời là đang xin ý kiến của bộ.

Tình trạng “những câu hỏi gửi đi cứ rơi vào thinh lặng” dường như không phải là cá biệt. Bên cạnh tình trạng im lặng khi được hỏi, cũng có tình trạng trả lời cho xong việc. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thẳng thắn: “Hiện nay vì sao phối hợp sở ngành chậm? Bởi dù quy trình, nhóm tương tác đủ hết, nhưng nhiều sở ngành trả lời cho xong công việc, rất khó thực hiện. Tính ra, thời gian vẫn đảm bảo nhưng chất lượng tham gia ý kiến không có”. 

Quan trọng ở công tác phối hợp

Xuất phát từ “hạn chế lớn nhất” của TPHCM là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng trong giải quyết hồ sơ, công việc, UBND TPHCM từng chỉ đạo, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan! Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện.

Tại hội nghị tổng kết quy chế phối hợp giữa các cơ quan thường trực HĐND - UBND - Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra đầu tháng 8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, xu hướng “chỉ trích lẫn nhau”, nói thẳng những điều chưa làm được giữa các sở ngành là tín hiệu tích cực. Theo đồng chí, “chỉ trích” để nâng cao vai trò trách nhiệm là điều người dân cần. Điều này tích cực hơn việc cứ nói đồng tình, đồng thuận với nhau, rồi lại “gồng mình chịu đựng những việc không thể chịu đựng được”. 

Trên tinh thần đó, tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đặt câu hỏi: “Tôi hỏi ở đây các đồng chí giám đốc sở có thực sự hài lòng với nhau chưa? Bao nhiêu sở chưa hài lòng với huyện, bao nhiêu huyện không hài lòng với sở?”. Đồng chí cho biết, từ gợi mở và khuyến khích của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM sẽ tổ chức hội nghị các ngành, các địa phương “chỉ trích nhau” để nhìn vào những tồn tại và tập trung giải quyết. Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Dù có quy chế phối hợp, quy định đầy đủ, có thể áp dụng công nghệ để giám sát, nhưng điều quan trọng vẫn là phải tăng cường kỷ cương.

Từ tháng 12-2017, UBND TPHCM đã ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM. Trong đó có quy định, công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính. Công chức phải chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp; phối hợp với công chức khác trong cùng cơ quan, đơn vị và công chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, công vụ có hiệu quả.

Chuyên gia về cải cách hành chính cũng cho rằng, TPHCM cần siết chặt kỷ cương hành chính, có chế tài mạnh để xử lý tình trạng phối hợp còn chệch choạc giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, dẫn đến hậu quả là công việc của dân bị ách lại.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết, để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hàng tháng, hàng quý, kho bạc đều gửi văn bản, hồ sơ tới các chủ đầu tư để đôn đốc gửi hồ sơ lên kho bạc. Theo quy chế làm việc đã được UBND TPHCM ban hành, từ ngày nghiệm thu đến hoàn tất hồ sơ gửi kho bạc trong 4 ngày làm việc. Quy chế đã có, văn bản đôn đốc cũng gửi đi, mà hồ sơ gửi đến kho bạc rất ít. Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM cũng cho hay, đến đầu tháng 8, vẫn còn 6 sở chưa nộp báo cáo tài chính nhà nước, trong khi theo quy định phải hoàn thành từ ngày 30-6.

Các tin khác