Thành phố thông minh từ vỉa hè

(ĐTTCO) - TPHCM đã công bố đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025. Từ đây đến mốc 2020, thậm chí 2025, việc cần làm để thể hiện một TPHCM văn minh, hiện đại để đi đến xây dựng TPTM có lẽ nên đặt ra là lập được trật tự vỉa hè. 
Thành phố thông minh từ vỉa hè
Bởi lẽ vỉa hè thể hiện hết những thứ như văn minh, lành mạnh, an toàn, vệ sinh, sạch sẽ. Vỉa hè còn là bộ mặt của một TP, của một quốc gia.
Ở đó nó thể hiện trình độ quản lý của chính quyền, trình độ văn minh, dân trí của một quốc gia.  Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra mới đây, 1 lãnh đạo UBND TP đã phải thốt lên: “Có nhóm lợi ích trong việc chiếm dụng vỉa hè, vì vỉa hè đem lại lợi nhuận khủng khiếp lắm. Nó là đất vàng”. 
Thực tế này đã được minh chứng qua 9 tháng lập lại trật tự vỉa hè mà quận 1 đi tiên phong từ giữa năm 2017, khi việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỷ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền…
Cụ thể, trên một tờ báo đã đăng một bảng danh sách 48 "ông chủ" vỉa hè ở quận trung tâm TP đã được chỉ ra. Đó là UBND phường Cầu Ông Lãnh là chủ bãi giữ xe trên vỉa hè đường Ngô Đức Kế (thuộc phường Bến Nghé) và bãi giữ xe trên vỉa hè đường Mạc Đĩnh Chi (thuộc phường Đa Kao). Đặc biệt, UBND phường Bến Nghé đã dẫn đầu bảng khi cùng lúc đứng tên giấy phép 5 điểm giữ xe trên vỉa hè ở các tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hải Triều, Mạc Đĩnh Chi, Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, số 2 Hàm Nghi.
Hay bãi giữ xe sau lưng khu đất 23 Lê Duẩn do Hội Cựu chiến binh quận 1 đứng tên giấy phép rồi "bán" lại cho tư nhân. Ngoài ra còn có các “ông chủ” bãi giữ xe "vua" là các ban, ngành quận 1, như Thanh tra, Ban Chỉ huy quân sự, Công an phường Bến Thành, Ủy ban MTTQ quận, các phòng Tài chính, Kinh tế, Nội vụ, Văn hóa Thông tin, Tư pháp…
Điều đáng nói, trong 48 điểm xe nêu trên đến thời điểm hiện tại, chỉ 19 điểm còn giấy phép và không ít điểm đăng ký trong giấy phép sử dụng tạm một phần vỉa hè làm bãi giữ xe không thu phí nhưng vẫn vô tư thu tiền, thậm chí với giá cao. Trước tình trạng này, UBND TPHCM đã chỉ đạo quận 1 thanh tra toàn diện các bãi giữ xe trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của UBND TP, sau khi rà soát sẽ tiến tới chấm dứt việc giữ xe trên vỉa hè, bởi vỉa hè phải dành cho người đi bộ. Nếu sử dụng cho mục đích khác phải sắp xếp để không ảnh hưởng. Và sau khi có lệnh tạm đình chỉ tất cả bãi giữ xe trên vỉa hè ở quận 1, nhiều bãi giữ xe “vua” đã ngưng hoạt động, vỉa hè đã trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau những đoạn vỉa hè này lại bị tái lấn chiếm làm điểm giữ xe, thậm chí còn phát sinh thêm một số điểm mới.
Vì sao việc dọn dẹp các bãi giữ xe trên vỉa hè lại khó khăn như vậy? Có cầu ắt có cung. Thực tế nhu cầu gửi xe cá nhân của người dân ở trung tâm TP rất lớn, trong khi các dự án bãi xe ngầm, bãi xe thông minh chậm tiến độ triển khai hoặc không được UBND TP chấp thuận chủ trương.
Như mới đây lãnh đạo TP đã có kết luận thông báo không đồng ý đề án xây dựng bãi xe lắp ghép thông minh 9 tầng tại các vị trí khu B Công viên 23 Tháng 9; Công trường Lam Sơn; Công viên Lê Văn Tám; Công viên văn hóa Tao Đàn. Sở GTVT cũng có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP đến các nhà đầu tư cần tìm vị trí khác ở cửa ngõ TP để đầu tư.
Với các bãi giữ xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng, sau gần 10 năm quy hoạch đến nay các nhà đầu tư đang triển khai các bước thủ tục, điều chỉnh hồ sơ thiết kế, di dời cây để khởi công xây dựng. Dự kiến trong quý I-2018, 2 bãi giữ xe ngầm này được khởi công. Nhưng đến bao giờ đưa vào sử dụng chưa biết.
Vấn đề đặt ra là muốn giải quyết bãi giữ xe ở trung tâm, trước hết cần đánh giá nhu cầu, quy hoạch cụ thể. Đặc biệt tập trung phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng thật tốt như xe buýt, metro, xe điện, xe đạp điện để người dân quen dần việc hạn chế sử dụng xe cá nhân đi vào trung tâm.
Bởi lẽ, khi chưa có giải pháp giảm xe cá nhân vào trung tâm TP, sẽ khó giải quyết được bài toán đáp ứng bãi giữ xe của người dân. Một thực trạng nữa cũng cần được giải quyết, là ở khu trung tâm nhiều tòa nhà xây tầng hầm làm chỗ đậu xe, nhưng sau đó lại xin chuyển đổi công năng làm văn phòng cho thuê hoặc cửa hàng. Điều này đồng nghĩa ô tô, xe máy của các cao ốc này sẽ bị đẩy ra vỉa hè.
Lập lại trật tự, văn minh lòng, lề đường trên địa bàn TPHCM là một nhiệm vụ quan trọng như chống kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Dẹp không được “loạn” vỉa hè, không trả lại vỉa hè đúng chức năng vốn có của nó, tức chưa giải được bài toán thông thoáng, thì đừng nói tới xây dựng TPTM.

Các tin khác