Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 khối lượng công việc cho đến nay tính chung đạt khoảng 56%, trong đó một số gói thầu đạt tỷ lệ khá như gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 66%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt khối lượng 77%; gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 49%...
Mặc dù trong thời gian qua dự án gặp nhiều khó khăn nhưng UBND TPHCM và các đơn vị liên quan đã nỗ lực để đẩy nhanh dự án trong khi chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.
Theo đó, trong năm 2018, dự án tiếp tục không được Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao vốn cấp phát (vốn ODA) do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên UBND TP đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng, cho đến nay đã giải ngân được 220 tỷ đồng. Kể từ khi dự án không được giao vốn (từ tháng 9-2016) cho đến nay UBND TP đã tạm ứng cho dự án tổng cộng 3.273 tỷ đồng.
Liên quan đến gói thầu CP1a, trong lúc chờ UBND TP xem xét kết luận thanh tra, Ban Quản lý Đường sắt đô thị kiến nghị TP chấp thuận tạm ứng 80% giá trị khối lượng công việc đã được nghiệm thu cho CTCP Thiết kế giao thông Hà Nội (Tedi Hà Nội) từ nguồn ngân sách TP cho dự án. Ngoài ra, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cũng kiến nghị TP tháo gỡ một số khó khăn tại một số gói thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
TP đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Liên quan đến tuyến metro số 2 đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú có 614 hộ gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của các quận huyện, cho đến nay một số hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhận tiền đền bù.
Cụ thể, quận 3 có 72/113 trường hợp nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng 36 trường hợp; quận 10 nhận tiền 3/81 trường hợp, bàn giao mặt bằng 1 trường hợp; Tân Bình 16/356 trường hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng 12 trường hợp; Tân Phú 4/19 trường hợp nhận tiền và 1 trường hợp bàn giao mặt bằng… Tổng số tiền đã giải ngân cho công tác đền bù xấp xỉ 490 tỷ đồng. Theo các lãnh đạo các quận huyện, công tác đền bù hiện nay gặp một số khó khăn như trường hợp quận 10 phải tiến hành thu hồi khu đất của Viettel qua 2 lần làm việc nhưng chưa chốt được, hay một số đơn giá đền bù đã hết hiệu lực…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết đối với tuyến metro số 1 trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền TP luôn nỗ lực để thực hiện dự án; luôn tuân thủ các quy định của pháp luật khi cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư mới sẽ tổ chức mời thầu. Về việc đề xuất tạm ứng 80% cho gói thầu CP1a, ông Tuyến đồng ý với đề xuất này. Liên quan đến việc đền bù, giải tỏa ở tuyến metro số 2 Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh trách nhiệm bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng thuộc về các quận huyện.
Lãnh đạo các quận huyện phải chịu trách nhiệm trên cơ sở các phương án đã được duyệt; UBND các quận huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP; Hội đồng đền bù các quận huyện phải giao ban hàng tháng, làm việc chặt chẽ, đúng pháp luật, chủ động liên hệ với các sở ngành để tháo gớ các vướng mắc, báo cáo UBND TP và Ban Quản lý Đường sắt đô thị.