Thảo gỡ nút thắt các ngành công nghiệp

(ĐTTCO)-Các chuyên gia cho rằng ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mà mấu chốt là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế… để phát triển các ngành công nghiệp.
Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp quản trị, hợp lý hóa các quy trình sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp quản trị, hợp lý hóa các quy trình sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nửa đầu năm 2023 phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, tồn kho tăng cao. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không còn giữ được vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng, kéo theo tăng trưởng của toàn nền kinh tế giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động cho thấy vai trò của việc chủ động, phát huy nội lực, xây dựng và củng cố tiềm lực từ nội tại của nền kinh tế, để sẵn sàng ứng phó và chủ động. Đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp, cần nhận diện những nút thắt để tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sẵn sàng đón cơ hội khi kinh tế hồi phục.

Nhận diện những nút thắt

Theo các chuyên gia, để tạo được động lực tăng trưởng kinh tế, phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, phát triển doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia được vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” của các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam và để trụ vững ngay tại thị trường nội địa.

Cụ thể hơn, là các giải pháp giúp các doanh nghiệp có thị trường, có đơn hàng xuất khẩu, cần phải đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, lao động… ngày càng cao mà ta đã cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm.

Đại diện Lefaso cũng kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da…

"Áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm các chi phí cũng là một trong những cái để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp," bà Xuân nói.

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhờ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng thực tế từ số liệu xuất khẩu đang phụ thuộc hơn 70% từ khối ngoại (FDI) và chủ yếu là từ các ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, máy móc công nghệ cao... Do đó, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân trong nước đang kém hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này thể hiện nhiều thông điệp, đó là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết thời gian vừa rồi không tốt bằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là mức độ chuyển dịch lên chuỗi cao hơn, nấc cao hơn thì khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đang chậm hơn các doanh nghiệp FDI.

Phân tích thêm, theo chuyên gia này, nếu nhìn dòng vốn FDI trong thời gian vừa qua thì rõ ràng là doanh nghiệp FDI về chế biến, chế tạo, trong lĩnh vực điện thoại, linh kiện điện tử cho thấy tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì mức độ chuyển dịch lên những ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có giá trị xuất khẩu cao dường như đang chậm hơn.

“Giải pháp ở đây là làm sao thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải hoạt động tốt hơn, thành lập nhiều hơn và đặc biệt là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng phải tăng cường, làm sao doanh nghiệp tư nhân trong nước phải được hưởng lợi nhiều hơn, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu một cách chủ động và hiệu quả hơn…,” ông Đậu Anh Tuấn nêu ý kiến.

Xây dựng những giải pháp mạnh

Hiện nay, nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành, song theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhóm giải pháp rất quan trọng là phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tăng cường sức chống chịu nhưng cũng vừa bắt nhịp với các xu thế mới của thế giới. Do đó, ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó điểm mấu chốt là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế…

Đi sâu vào việc để làm sao đạt được tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành công nghiệp cũng như có thể kết nối doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) khuyến nghị phải có chính sách cụ thể để thực thi các cam kết giữa nhà đầu tư FDI với doanh nghiệp trong nước trong việc chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.

Theo ông, cam kết đầu tư cũng như hoạt động đầu tư phía FDI có hỗ trợ nhưng vẫn còn thấp, do đó cần phải xây dựng những quy định ràng buộc đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện các cam kết công nghệ.

“Đến thời điểm này, nếu như đánh giá tỷ lệ thì còn thấp. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận quá trình tái cơ cấu cái gì khó khăn, cái gì chưa đạt thì phải tiếp tục điều chỉnh, làm sao cho phù hợp với tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại nội địa và xuất khẩu…,” Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội chia sẻ.

Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cũng nhấn mạnh tới việc phải giải quyết một nút thắt quan trọng nữa, vốn được ví như “bánh mì” của công nghiệp, đó là năng lượng và trực tiếp là điện năng. Theo ông, việc thiếu hụt nguồn điện tại miền Bắc - nơi có nhiều trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước thời gian cao điểm mùa khô cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua là chỉ báo cho thấy những bất cập trong việc đảm bảo nguồn năng lượng điện cho phát triển công nghiệp lâu dài.

“Quan trọng nhất các mục tiêu là phải góp phần đầu tiên phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong suốt giai đoạn tới và từ đó cũng như các cam kết quốc tế về đảm bảo khí phát thải cũng như năng lượng xanh sạch cho tới tái cơ cấu làm sao quy trình, tức là giảm đi những nguồn năng lượng mà gọi là đối với môi trường để thúc đẩy tăng cường nguồn năng lượng thân thiện môi trường hơn, đảm bảo trong giờ tới…,” ông Hội nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, cơ quan quản lý Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện dự án Luật phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương, tròn đó Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật phát triển Công nghiệp để trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội xem xét thông qua trong giai đoạn 2023-2024 làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, huy động tối đa mọi nguồn lực để tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn có tính chất lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần phát triển kinh tế đất nước…

Các tin khác