Liệu ông Trump có đang bị truyền thông đồng loạt phản bội, hay đây là chiêu trò truyền thông vốn được ông Trump đạo diễn, vì trước khi trở thành tổng thống, ông đã từng là một nhà sản xuất chương trình truyền hình?
Truyền thông đồng loạt tấn công
Truyền thông đồng loạt tấn công
Có điều cần phải làm rõ là hiện nay (đến ngày 14-11) vẫn chưa thể khẳng định được ai đã chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống lần này, cho đến khi có kết quả kiểm phiếu chính thức, cũng như tuyên bố từ Ủy ban Bầu cử Mỹ. Những số liệu trong những ngày qua chỉ là con số thống kê của các hãng truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là đồng loạt các hãng truyền thông từ cực tả, trung lập và cực hữu đều khẳng định ông Biden đã chiến thắng trong kỳ bầu cử này và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Điều này còn được khẳng định mạnh mẽ hơn khi ông Biden đã có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng ít giờ ngay sau khi kết quả ông chiến thắng phiếu bầu được đăng tải.
Bên cạnh đó, người dân tại một số bang “xanh dương” đã đổ ra đường, ăn mừng với khẩu hiệu “Joe Biden là tổng thống thứ 46 của Mỹ”. Thậm chí, một số nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chúc mừng ông Biden, như Thủ tướng Canada, Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức... Điều này càng làm cho thế giới tin tưởng rằng ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống mới của Mỹ.
Với việc ngả theo ông Biden, có thể nhận thấy một thực tế là truyền thông đang công khai chống lại Tổng thống Donald Trump trong kỳ bầu cử lần này. Sau khi ông Trump tuyên bố sẽ kiểm tra lại phiếu bầu vì nghi ngờ có sự gian lận, một số tờ báo đã lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump là “vô căn cứ”. Tờ CTV News của Canada cũng chỉ trích ông Trump: “Trong khi các phiếu bầu vẫn đang được kiểm và ứng cử viên Joe Biden đang tiến gần hơn đến chiến thắng toàn diện, ông Trump đã “đả kích” sự gian lận phiếu bầu, cho thấy ông biết triển vọng về nhiệm kỳ thứ 2 của mình tại Nhà Trắng đang mất dần”. Hơn thế nữa, những bài đăng hoặc những tuyên bố của ông Trump trên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook có nội dung về gian lận phiếu bầu đều bị gỡ bỏ.
Không những thế, 2 tờ báo cực hữu ủng hộ Trump là Fox News và New York Post đều đăng tin về kết quả bầu cử có lợi cho ông Biden, thậm chí sử dụng từ “chiến thắng” dành cho ông Biden. Nhóm thiểu số ủng hộ Trump (Pro-Trump) cho biết họ cảm thấy 2 tờ báo trên, nhất là Fox News đang trở mặt với tổng thống của họ và một số nhà báo đang có xu hướng thiên tả. Fox News hiện đang được điều hành bởi Rupert Murdoch đã có sự gắn bó với ông Trump mật thiết đến mức nhiều nhà quan sát cho rằng đây là kênh truyền thông của nhà nước.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuộc tranh luận lần đầu giữa ông Trump và ông Biden vào tháng 9, người dẫn chương trình Chris Wallace - vốn là người dẫn chương trình của kênh Fox News - đã có những động thái thiên vị ông Biden, như ngắt lời tranh luận của ông Trump, thậm chí có những thời điểm ông Trump phải thốt lên rằng: “có lẽ tôi đang tranh luận với ông hơn là với ông Biden”. Vào ngày bầu cử, Fox đã sớm thông báo ông Biden đã sớm giành chiến thắng ở bang Arizona, từ đó mở ra những loạt bài ủng hộ ông Biden trên kênh Fox News.
Gậy ông đập lưng ông
Gậy ông đập lưng ông
Trái ngược với 4 năm về trước, khi ông Trump đã thao túng truyền thông mạnh mẽ, đến mức chỉ cần 1 dòng tweet của ông trên Twitter đã có thể làm thay đổi tình hình theo cách mà ông muốn. Lần này, những nội dung của ông trên các trang mạng xã hội đều bị cho là tin giả và những kênh truyền thông thân tín đều quay lưng với ông. Nhiều nhà quan sát nhận định kết quả ông Trump nhận lúc này đã nhen nhóm bắt nguồn từ những sự kiện trong nhiệm kỳ của ông. Với phong cách lãnh đạo “coi trời bằng vung” của mình, mối bất hòa giữa ông và báo chí đã bắt đầu nổi lên vào tháng 1-2019, khi ông chỉ trích gay gắt 2 phóng viên của Fox News về những thông tin của họ về vấn đề tường biên giới.
Đến năm 2020, căng thẳng leo thang khi Fox News đã đưa loạt bài chỉ trích Trump về dịch bệnh tại Mỹ, cũng như cách Trump chuẩn bị cho kỳ bầu cử 2020. Trump đã thẳng thừng tuyên bố: “Fox News hiện chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho đảng Dân chủ, họ đăng tải không cần kiểm chứng và nghiên cứu thông tin”. Đối với những kênh truyền thông khác ông Trump còn đưa ra những lời lẽ miệt thị nặng nề hơn, khi gọi CNN và NBC là những trang “tin giả” (fake news).
Cũng chính vì “tin giả”, một thành ngữ bắt nguồn từ những nội dung của ông Trump từ những năm 2017, đã khiến ông nhận hậu quả truyền thông như hiện nay. Ông Trump kể khi nhậm chức tổng thống vào năm 2017 đã 2.000 lần sử dụng từ “tin giả” trong những nội dung ông đăng tải trên những trang mạng xã hội. Vì Trump, với cương vị là tổng thống, người có tầm ảnh hưởng trong xã hội Mỹ, khi sử dụng từ “tin giả” với tần suất lớn như thế đã khiến dư luận rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin. Đến thời điểm này, dường như báo chí và dư luận đều không còn tin tưởng vào bất cứ lời nói nào của ông Trump.
Theo nhận định của một số chuyên gia khác của kênh CNN, có lẽ lần này truyền thông không muốn lặp lại sai lầm như 4 năm về trước, khi đưa cấp tập thông tin về vụ bê bối e-mail của bà Hillary Clinton. Hầu hết truyền thông lúc đó đã gạt bỏ những thông tin tích cực của bà Hillary và đưa tin về những điều ông Trump nói về việc “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Tuy nhiên, chỉ cho đến khi ông Trump chính thức trở thành tổng thống, giới truyền thông mới vỡ lẽ ra họ đã bị “dắt mũi”. Các phóng viên, biên tập viên và những người dẫn chương trình đã nhận ra rằng truyền thông không nên xem lời nói của ông Trump hoàn toàn là sự thật. Tờ Washington Post đã liệt kê được hơn 22.000 lời nói dối và những điều bịa đặt ông Trump đã thực hiện kể từ khi nhậm chức.
Giới truyền thông Mỹ hiện nay đã không còn như năm 2016, họ đã rút kinh nghiệm về việc sẽ tập trung vào những gì ông Trump làm hơn là những gì ông nói. |