Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường.
Bỏ qua khâu đấu giá khi Chính phủ chưa đồng ý
Bộ Tài chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của quá trình chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Đó là khi CPH DNNN, nhất là những DN đang được nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, việc xác định giá trị DN không tính giá trị quyền sử dụng đất vào DN để CPH nhưng không thực hiện đấu giá.
Theo nhận định Bộ Tài chính, hiện nay tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xác định giá đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu cho ngân sách nhà nước.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, khối DNNN hiện nắm giữ tổng diện tích 258.792 m2 đất theo hợp đồng gốc trước khi chuyển đổi. Trong đó, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 114.151 m2, tổng số tiền phải nộp cho ngân sách hơn 2.187 tỉ đồng nhưng hiện còn thiếu hơn 366,5 tỉ đồng.
Khối DNNN CPH của các tổ chức nhà nước đang nắm giữ tổng diện tích 1.394.559 m2 đất, trong đó đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 719.862 m2. Tổng số tiền phải nộp vào ngân sách là hơn 3.117 tỉ đồng, hiện còn gần 353 tỉ đồng chưa nộp.
Giá đất không sát giá thị trường
Việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. UBND tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến thường trực HĐND và không báo cáo HĐND tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án, bên cạnh kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.
Một số dự án tiêu biểu
Một số dự án "khủng" đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại TP HCM, gồm: dự án Riva Park (của Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam; số 504 đường Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4) được nhà nước giao 4.785 m2 đất, đã chuyển đổi 100% diện tích đất sản xuất kinh doanh thành đất cho cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ. Giá đất tính khi thu chuyển mục đích sử dụng đất là hơn 50,9 triệu đồng/m2, số tiền phải nộp vào ngân sách là 103.722 tỉ đồng. Công ty CP Thương mại Phú Nhuận (phường 13, quận 11) chuyển đổi toàn bộ 4.303 m2 đất sản xuất kinh doanh thành đất dự án thương mại dịch vụ, văn phòng, căn hộ với giá đất sau chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 25,9 triệu đồng/m2.
Một số dự án lớn tại Hà Nội cũng nằm trong trường hợp như thế, như: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Việt Nam (số 29 Liễu Giai), nhận bàn giao đất từ Đại sứ quán Nga, được quản lý tổng cộng 35.075 m2 đất, xin chuyển đổi 4.941 m2, giá đất sau chuyển đổi mục đích sử dụng đất là 70 triệu đồng/m2; Công ty CP Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ (148 Giảng Võ) được thuê 68.380 m2, trong đó xin chuyển mục đích sử dụng 15.474 m2, đến nay chưa có quyết định phê duyệt giá đất của cơ quan có thẩm quyền…