Song theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Đánh giá chung có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.
Chính vì vậy, tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn, nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế…
Khuyến nghị cho vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đưa ra 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN; Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu…) nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ, nhất là đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời, bằng cách có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng.
Thứ hai, liên quan đến phân bố nguồn lực, cần một số giải pháp mạnh được thực hiện một cách khác biệt. Trong đó, về phát triển DN tư nhân, thực hiện hỗ trợ “người thắng cuộc”. Cụ thể là tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước (trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông…), lựa chọn, chỉ đạo các bộ, địa phương có liên quan giải quyết ngay các vướng mắc (về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…) để đất đã giao đưa ngay vào sử dụng, các dự án này có thể triển khai một cách sớm nhất có thể; giải quyết các bất hợp lý về thuế, nhập khẩu, xuất khẩu và các loại phí…
Thứ ba, tái cơ cấu DN nhà nước, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, DN thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các DN tốt, DN có tiềm năng phát triển. Cụ thể rà soát, loại bỏ hết các khoản trợ cấp, nếu có đối với DN nhà nước; loại bỏ các hành vi độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên; rà soát, bổ sung sửa đổi pháp luật có liên quan mở rộng và bảo đảm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của DN nhà nước…
Giao Ủy ban Quản lý vốn các mục tiêu, chỉ tiêu về hiệu quả tài chính đủ cao, để tạo thay đổi có tính bước ngoặt về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, thay đổi cách thức quản lý; cổ phần hóa, thoái vốn không chạy theo số lượng, mà là chất lượng cổ phần hóa; cải thiện quản trị, quản lý, minh bạch theo chuẩn mực kế toán quốc tế…
Một điểm quan trọng khác, theo các chuyên gia từ CIEM chính là yếu tố con người. Chúng ta đang kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài về nước để phát huy trí tuệ, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, chừng nào những người đang ở trong nước “chưa có đất” đóng góp, chưa giữ chân được người giỏi, thì sẽ khó có thể kêu gọi được sự tham gia của người Việt ở nước ngoài. Do đó, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt môi trường kinh doanh trong nước, để Việt Nam thực sự là mảnh đất lành cho người khởi nghiệp.