Thế giới ảo, độc tố thật - Cần chế tài đủ mạnh

(ĐTTCO) - Hiện nay mạng xã hội (MXH) đã trở thành một “thế lực” truyền thông rất lớn. Những nội dung nhảm nhí, xấu độc thậm chí là phản động, bịa đặt trắng trợn vẫn đang tồn tại rất nhiều trên các MXH, nhưng cơ chế “bóc gỡ và xử lý” thì không hề đơn giản.

 Mặc dù đã có chủ trương về xây dựng một số MXH trong nước đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, trao đổi thông tin của người dân nhưng đến nay việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả, chưa theo kịp với xu thế phát triển của MXH trên thế giới. 

Thế giới ảo, độc tố thật - Bài 2: Cần chế tài đủ mạnh ảnh 1MXH Hahalolo kỳ vọng tạo nên sức hút với cộng đồng (Ảnh: Họp báo ra mắt MXH Hahalolo). Ảnh: TẤN BA

MXH Việt Nam còn yếu thế

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, đến đầu năm 2020 đã có tổng cộng 614 MXH được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, các MXH có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi đó, số người Việt Nam sử dụng Facebook là gần 64 triệu người và YouTube là gần 35 triệu người. 

Mặc dù số lượng MXH trong nước được cấp phép khá lớn, nhưng chưa phát huy hiệu quả: lượng người sử dụng thấp, tính năng tương tác thấp; mức độ tác động, ảnh hưởng đến dư luận xã hội hạn chế; phạm vi cung cấp nội dung hẹp, theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể nên khó thu hút được người sử dụng. Trong khi đó, các MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới được sử dụng nhiều với các tính năng được cập nhật liên tục, phù hợp với nhu cầu người sử dụng, có những tác động lớn đến xã hội.

Chính vì chưa xây dựng được “hệ sinh thái số” đủ mạnh, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, còn phụ thuộc vào các MXH nước ngoài nên dẫn tới những bất cập trong công tác quản lý đấu tranh với những vi phạm của người sử dụng MXH, nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực.

Trên thực tế MXH nội như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo, Hahalolo… do Việt Nam phát triển dù được quảng bá khá nhiều, nhưng không thể có sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ như Facebook hay YouTube. Giữa năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã xây dựng và vận hành MXH Vcnet.vn để phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng. Hiện nay MHX này đang được tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh để phát triển ngày càng rộng rãi.

Việc phải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nội dung thông tin, tên miền, nghĩa vụ tài chính số với các doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thu hút ít người tham gia, nội dung trao đổi ít, không phong phú. Do đó, hầu hết người sử dụng trong nước đều chuyển sang hoặc sử dụng thêm Facebook và Youtube để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, bình luận, trao đổi. Và đây chính là nơi “nuôi dưỡng” những nội dung độc hại, sai trái, phản động, mà chúng ta không dễ để xử lý tận gốc. 

Cùng với những nội dung nhảm nhí, dung tục, phản cảm, trên 2 MXH phổ biến hiện nay là Facebook và YouTube, việc mạo danh cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà  nước, các tổ chức không còn là chuyện hiếm; việc thông tin bịa đặt, thông tin giả mạo, cố tình vu khống, chống phá chế độ, Đảng đang diễn ra thường xuyên. Trong 3 năm qua, Bộ TT-TT đã có nhiều cuộc làm việc với Facebook và Google về vấn đề kiểm soát thông tin vi phạm pháp luật.

Mặc dù hàng trăm tài khoản và hàng ngàn video, nội dung sai trái, xấu độc được Google, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ theo yêu cầu của phía Việt Nam; nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số yêu cầu thực tế của Việt Nam. Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực thông báo yêu cầu bóc gỡ tin, bài và tài khoản vi phạm thì các nhà cung cấp dịch vụ MXH xuyên quốc gia luôn thực hiện rất chậm. 

Đảm bảo những quy định để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống

Hiện nay, đã có 138 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật an ninh mạng với các tên gọi khác nhau. Trong đó, ít nhiều đều có đề cập cũng như đưa ra các giải pháp ngăn chặn vấn nạn tin giả, đặc biệt là tin giả trên MXH liên quan đến an ninh quốc gia, đời sống chính trị - xã hội, có ảnh hưởng đến số đông.

Nhiều quốc gia quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với Facebook hay Google nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp theo yêu cầu của chính quyền hay tòa án. Với những cá nhân vi phạm, hình phạt không chỉ là tiền mà có thể bị xử lý hình sự, đi tù. 

Tại Nga, ngày 18-3-2019, Tổng thống V.Putin đã ký ban hành và công bố 2 đạo luật theo hướng xử phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả và xúc phạm biểu tượng nhà nước trên môi trường internet. Đạo luật thứ nhất nhằm xử phạt các hành vi “xúc phạm các biểu tượng và thể chế nhà nước”. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt ở mức tối đa là 300.000 ruble nếu “thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của liên bang, hiến pháp hay các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nhà nước tại Liên bang Nga”.

Nếu phát hiện thông tin dạng này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn sự lan truyền trên internet… Ở đạo luật thứ hai, Nga cấm truyền bá các thông tin giả mạo “có tầm ảnh hưởng xã hội lớn”, có nguy cơ gây hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng.

Mức phạt tiền cao nhất cho hành vi này có thể lên tới 1,5 triệu ruble… Luật cũng cho phép nhà chức trách có quyền chặn các trang web nếu không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin mà chính quyền cho là sai sự thật. Nga cũng chủ động phát triển các nền tảng MXH và công cụ tìm kiếm internet riêng của mình như VKontakte và Yandex; nhằm đảm bảo an toàn và tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Australia cũng đã thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 6-12-2018, trong đó yêu cầu Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH phải có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ cơ quan chức năng trong điều tra tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố, với các chế tài xử phạt hành chính và hình sự nghiêm khắc. 

Tại Đông Nam Á, các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng đã có văn bản luật hoặc hành động cụ thể để đối phó với tình trạng tin giả, đặc biệt là tin giả phát tán trên MXH. Trong đó, Singapore là quốc gia có các giải pháp mạnh mẽ nhất. Sau Luật An ninh mạng ban hành năm 2017, ngày 1-4-2019, Chính phủ Singapore đã đệ trình Quốc hội thảo luận “Dự luật đấu tranh, xử lý thông tin sai sự thật và thủ đoạn lôi kéo, lừa phỉnh trên internet”.

Theo dự luật, Singapore sẽ phạt nặng Facebook và các mạng xã hội khác nếu họ không tuân theo lệnh kiểm duyệt nội dung của chính quyền, phát tán thông tin sai sự thật, nhất là thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, bình yên xã hội hoặc quan hệ của Singapore với các nước khác. Trung Quốc thì đã “cấm cửa” các dịch vụ của Facebook lẫn Google, đồng thời tạo ra các nền tảng MXH của riêng họ. Những MXH của Trung Quốc như Weibo, TikTok, WeChat, QQ, Baidu… luôn hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật Trung Quốc, với số người dùng rất lớn, phát triển đa dạng và năng động.
 
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12-6-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Điểm d, Khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng nghiêm cấm “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. 

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc bảo đảm những quy định trong Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh, hiệu quả là hết sức cần thiết. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền và việc tăng cường kiểm soát an ninh mạng, trong đó có hoạt động MXH sẽ góp phần xác lập chủ quyền quốc gia trên internet, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Từ đó ngăn chặn và hạn chế tối đa những nội dung xấu, độc, sai trái trên MXH đối với người dùng Việt Nam, nhất là lớp trẻ.

Chúng tôi kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn nhưng không tuân thủ pháp luật!
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Các tin khác