Thẻ học đường SSC có nên bắt buộc?

Thẻ học đường School Cash Card (SSC) dành cho học sinh phổ thông mở tại các NH (tương đương với các thẻ thanh toán của NH) là đề án của UBND và Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM triển khai thí điểm tại một số trường THPT ở TPHCM. Tuy nhiên, nhiều trường đã gần như bắt buộc học sinh và phụ huynh đăng ký sử dụng đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình khi thẻ này phải “cõng thêm” nhiều khoản phí, trong khi đó lợi ích của những dịch vụ hỗ trợ chưa thực sự rõ ràng. Đề án với mục đích nhằm thanh toán học phí không dùng tiền mặt, nhưng thực tế phụ huynh phải đem tiền mặt ra NH chuyển vào tài khoản!

Thẻ học đường School Cash Card (SSC) dành cho học sinh phổ thông mở tại các NH (tương đương với các thẻ thanh toán của NH) là đề án của UBND và Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM triển khai thí điểm tại một số trường THPT ở TPHCM. Tuy nhiên, nhiều trường đã gần như bắt buộc học sinh và phụ huynh đăng ký sử dụng đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình khi thẻ này phải “cõng thêm” nhiều khoản phí, trong khi đó lợi ích của những dịch vụ hỗ trợ chưa thực sự rõ ràng. Đề án với mục đích nhằm thanh toán học phí không dùng tiền mặt, nhưng thực tế phụ huynh phải đem tiền mặt ra NH chuyển vào tài khoản!

Hiện đại hại... phụ huynh

Theo phản ánh của phụ huynh các trường THPT như Nguyễn Thị Diệu, Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM), họ đã nhận được thông báo yêu cầu mở thẻ thanh toán học phí SSC cho con mình với phiếu đăng ký thông tin khách hàng tại NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank).

Một phụ huynh tại Trường Nguyễn Thị Diệu dẫn lời con mình: “Đây là yêu cầu bắt buộc của nhà trường và đã đến hạn chót phải đăng ký làm thẻ, nếu trường hợp nào không thực hiện sẽ phải có ý kiến từ phụ huynh nêu rõ lý do”. Phụ huynh này cũng bức xúc, việc ép buộc mở thẻ là vô lý, vì bản thân không có nhu cầu. Mức phí được nêu ra cao ngang bằng các thẻ tín dụng mở tại nhiều NH hiện nay.

Vị phụ huynh này so sánh, nếu mục đích chính là để thu tiền học phí thì phụ huynh có thể dùng thẻ NH của họ chuyển trực tiếp vào tài khoản nhà trường, chứ sao phải mở thêm thẻ SSC như là “thẻ trung gian”? Trong khi đó vẫn còn nhiều phụ huynh chưa có thẻ ở NH nào phải làm thêm thao tác chuyển tiền mặt tại NH mở thẻ SSC và các hoạt động đều phải tốn phí giao dịch.

Đề án thẻ học đường thanh toán học phí SSC ghi rõ: Thẻ học đường SSC là thẻ dành cho học sinh, có tên và mã số học sinh. Phụ huynh sẽ đứng tên chủ tài khoản và mở thẻ SSC cho con theo biểu mẫu quy định. Vào kỳ đóng khoản phí và học phí, trung tâm thông tin SSC sẽ thông báo đến phụ huynh số tiền  của học sinh.

Phụ huynh sẽ chuyển khoản số tiền này vào thẻ SSC bằng nhiều hình thức như chuyển khoản (tin nhắn, điện thoại, internet), thu tận nhà, đóng tại các NH, đóng tại trường, hoặc thanh toán qua mPOS (thiết bị cà thẻ trên điện thoại thông minh), thu qua POS (máy cà thẻ cố định) tại trường… Số tiền phí và học phí quy định khi phụ huynh nộp sẽ được tự động chuyển về tài khoản của nhà trường.

Ngoài ra, phụ huynh còn có thể chuyển tiền vào thẻ SSC để học sinh tiêu vặt (ăn trưa, mua sách, dụng cụ học tập…) và chỉ được chấp nhận mua hàng qua máy POS tại các điểm quy định trong trường học. Các khoản mua sắm sẽ được thông báo vào tài khoản thẻ để phụ huynh kiểm soát việc chi tiêu của con và không rút được tiền mặt.

Tuy nhiên, để được thụ hưởng sự thuận lợi và hiện đại nêu trên, phụ huynh phải đóng các khoản phí sử dụng thẻ học đường SSC. Cụ thể, phí sử dụng dịch vụ giáo dục (điểm danh, học bạ trực tuyến, bài giảng trực tuyến, thẻ căn tin, thư viện...) là 20.000 đồng/tháng; phí thường niên 66.000 đồng/năm, phí phát hành thẻ 33.000 đồng (thu một lần); phí quản lý tài khoản 6.050 đồng/tháng, trường hợp sử dụng dịch vụ thấu chi thì phí là 9.900 đồng/tháng, thu từ tháng đầu tiên.

Các khoản phí trên chỉ miễn phí trong 6 tháng đầu sử dụng. Theo nhân viên tư vấn về thẻ SSC tại Sacombank, việc mở thẻ này hoàn toàn không ép buộc.

Cân nhắc tiện ích

Đề án thẻ SSC được ký kết giữa Sở GD -ĐT TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM và CTCP Văn hóa Ngôi Nhà Xanh vào đầu tháng 7-2014. Theo mục đích ban đầu, Đề án thẻ học đường SSC nhằm thực hiện Nghị định 101/2012/NĐ-CP “Thanh toán không dùng tiền mặt” của Chính chủ áp dụng đối với hệ thống thanh toán quốc dân và Thông tư 161/2011/TT-BTC “Quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước” của Bộ Tài chính.

Đến nay, Sacombank được biết là NH đang triển khai đề án phát hành thẻ SSC. Tại quy định mức phí ban hành, sau 6 tháng đầu tiên miễn phí, người dùng phải trả khoảng 30.000 đồng/tháng, gồm phí thường niên, phí quản lý tài khoản và phí sử dụng các tiện ích khác tích hợp vào thẻ.

Theo một chuyên gia tài chính, mức phí trên chưa phải là quá cao so với tiện ích của nó có thể mang đến cho học sinh. Tuy nhiên, điều mà vị chuyên gia này băn khoăn là tính minh bạch của nó. Chẳng hạn người dùng mất thêm 20.000 đồng/tháng cái gọi là “phí sử dụng dịch vụ giáo dục” nhưng những tiện ích thực sự mà họ nhận được là gì?

Nhà trường có cam kết gì trong việc cung cấp những tiện ích như thẻ thư viện, mua sắm, thẻ xe buýt, đọc tài liệu điện tử…? Hơn nữa, đáng lẽ nhà trường chỉ nên khuyến khích và giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu rõ những tiện ích của nó, chứ không nên “ép buộc”.

Một số trường THPT ở TPHCM triển khai thí điểm thẻ SSC.

Một số trường THPT ở TPHCM triển khai thí điểm thẻ SSC.

Như vậy có thể thấy rằng, thẻ học đường SSC trước mắt đem lại khoản lợi nhuận cho NH (điển hình là Sacombank) vì thu được các dịch vụ từ thẻ như: phí phát hình thẻ, phí thường niên, phí quản lý tài khoản... và đặc biệt là thị trường thẻ cho học sinh rất lớn, một thị trường nhiều NH đang tìm cách mở rộng loại hình dịch vụ này.

Trong khi đó phụ huynh phải đóng những khoản phí cho thẻ SSC này trong thời điểm chưa thực sự cần thiết. Rồi liệu rằng mức phí phụ huynh phải trả cho thẻ SSC có mang lại lợi ích tương xứng hay không?

Hoàng Thúy Liễu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu:

Không ép buộc phụ huynh, học sinh
làm thẻ học đường

Bà Hoàng Thúy Liễu cho biết: Đề án thẻ SSC nhằm thực hiện chủ trương “Thanh toán không dùng tiền mặt” của Chính phủ và được sự cho phép của UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với NHNN chi nhánh TPHCM triển khai đến các trường THPT bắt đầu từ năm học 2014-2015. Đây là đề án thí điểm được triển khai trên tổng số 16 trường, trong đó có trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Hiện có 2 NH tham gia cung cấp dịch vụ là Sacombank và Oceanbank. Ngoài ra, ViettinBank cũng đang được xem xét để tham gia vào đề án này. Bà Liễu phân trần: Sau khi có chủ trương, nhà trường đã tổ chức phát phiếu lấy thông tin khách hàng ở khối 10 và 11. Do đây là đề án thí điểm, nhà trường mong muốn vận động nhiều học sinh và phụ huynh tham gia thực hiện chủ trương trên tinh thần tự nguyện, chứ không áp đặt. Có thể trong quá trình triển khai, một số giáo viên chủ nhiệm quá “sốt ruột” trong việc yêu cầu học sinh thực hiện điền thông tin khách hàng, khiến các bậc phụ huynh có cảm giác bị ép buộc, bức xúc.

Minh Tuấn

Các tin khác