PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, thời gian qua khá nhiều nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ nước ngoài thoái lui khỏi thị trường Việt Nam, một số khác cũng đánh tiếng sẽ thoái lui trong tương lai. Điều này có gì bất thường khi lâu nay TTBL Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn và còn nhiều dư địa tăng trưởng?
Bà PHẠM CHI LAN: - Để hiểu sâu nguyên nhân DN bán lẻ ngoại thoái lui khỏi thị trường Việt Nam cần nhìn vào gốc của vấn đề. Ở đây là khả năng tăng trưởng thực sự của TTBL Việt Nam hiện nay ra sao.
Tôi được biết nhiều DN bán lẻ nước ngoài từng nói rằng TTBL Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng song mức tăng trưởng không đáng kể, không như kỳ vọng của họ, là nguyên nhân chính khiến họ thoái lui.
Những khó khăn của kinh tế Việt Nam gặp phải trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra đến nay vẫn còn nặng nề. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy được đánh giá ở mức cao (trong khi nhiều quốc gia khác tăng trưởng kinh tế âm), nhưng mức tăng trưởng này chỉ thuần túy về tốc độ, vẫn bộc lộ tính thiếu ổn định, thiếu bền vững và tính chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài tương đối thấp.
Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương nhờ sự “gồng mình” từ những thành tựu đã tích tụ được từ những năm trước đó, nhưng năm nay khi đã hết nguồn lực từ năm cũ để lại, kinh tế Việt Nam còn giữ được đà tăng trưởng hay không là vấn đề khác.
Xa hơn, họ nhìn vào khả năng tăng trưởng kinh tế nói chung và TTBL nói riêng ở giai đoạn những năm sau này. Khi xem xét đầy đủ các yếu tố, rõ ràng tăng trưởng của TTBL Việt Nam khó đạt được như mức họ kỳ vọng.
- Bà đánh giá thế nào về sức mua của TTBL Việt Nam hiện nay so với một số nước trong khu vực?
Lâu nay chúng ta vẫn có thói quen nói nhiều đến tốc độ tăng trưởng, nhưng quên đi cái gốc của nó, tức mẫu số là sức mua tiêu dùng thực sự vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Dù GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam có thể “đẹp”, nhưng vẫn thể hiện sức mua của thị trường Việt Nam không cao. |
Ở Thái Lan, sức mua của thị trường chỉ tăng 1% cũng tương đương Việt Nam tăng vài phần trăm. Bởi lẽ nền tảng của Thái Lan là có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều lần, tầng lớp dân số hạng trung lưu cũng nhiều hơn, do đó tổng sức mua của họ lớn hơn so với tổng sức mua của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam chỉ được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế, còn về thị trường tiêu dùng không được đánh giá cao. Ở khía cạnh này, nhà đầu tư ngoại biết rất rõ. Họ làm kinh doanh, bán hàng hóa trên thị trường tất nhiên phải rành và hiểu rõ về điều này hơn so với những con số thống kê tăng trưởng thuần túy của cơ quan nhà nước hay báo cáo.
Thực tế bán được bao nhiêu, doanh thu bao nhiêu, lãi bao nhiêu, với DN là con số thực và phản ánh đúng thị trường, không phải là tốc độ tăng trưởng cao một cách thuần túy.
- Có ý kiến cho rằng chi phí đầu vào của lĩnh vực đầu tư bán lẻ ở Việt Nam đang là gánh nặng cho các DN, cũng là nguyên nhân khiến DN ngoại thoái lui. Ý kiến của bà ra sao?
- Chi phí đang là rào cản lớn nhất cho các DN bán lẻ ở Việt Nam, cả DN nội và ngoại. Hiện nay, chi phí đầu tư cho lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam không rẻ, nhất là chi phí cho thuê mặt bằng.
Các mặt bằng cho bán lẻ thường tập trung ở khu vực trung tâm, vị trí đắc địa, ở những đô thị lớn, có giá thuê rất cao. Thị trường bất động sản thời gian qua sốt, cũng dẫn đến chi phí cho mặt bằng tăng theo.
Ngoài ra, còn nguyên nhân nữa là sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong những năm gần đây. Lấy thí dụ năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19 đã cho thấy rõ xu hướng dịch chuyển sang TMĐT.
Trong tương lai, giới tiêu dùng nhiều, giới trung lưu sẽ chuyển sang mua bán trên môi trường TMĐT là chủ yếu, nhất là khi họ là những người có điều kiện sử dụng công nghệ và các phương tiện thanh toán tốt.
Khả năng mở rộng thị trường của các DN bán lẻ sẽ không còn nữa khi càng mở rộng lại càng tăng chi phí, trong khi thị phần đang bị thu hẹp sang TMĐT.
Sức mua không cao, chi phí mặt bằng lớn cùng với thương mại điện tử đang phát triển nên không hấp dẫn các nhà bán lẻ.
- Bà nhận định thế nào về sự tăng trưởng của TTBL Việt Nam trong thời gian tới?
- Những năm tới, yếu tố cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực TTBL ở Việt Nam vẫn là chủ đạo. Đó là cạnh tranh giữa các DN bán lẻ với nhau, giữa DN bán lẻ với TMĐT để giành thị phần.
Có thể thấy, các chuỗi bán lẻ lớn của nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… vẫn tăng trưởng ổn định. Hàng hóa của họ vẫn có khả năng tiêu thụ lớn nên họ vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng chuỗi ở thị trường Việt Nam.
Hiện nay các nước này vẫn tự tin với chuỗi bán lẻ và hàng hóa của họ. Điều này là có cơ sở vì lâu nay người Việt vẫn tin dùng các sản phẩm hàng hóa của họ.
Thực tế, hàng hóa của DN Nhật Bản và Hàn Quốc, người tiêu dùng Việt Nam đã tin dùng từ lâu. Còn hàng hóa của Thái Lan, về cơ bản mẫu mã và chất lượng, giá thành vẫn nhỉnh hơn hàng hóa Việt Nam, nên người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.
Đó là chưa kể người Thái còn có sự đầu tư rất khôn ngoan là thường tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng - lĩnh vực thu hồi vốn nhanh và cũng tương đối ít rủi ro.
Đơn cử, mặt hàng đồ uống là bia, sau khi mua lại Sabeco, chủ doanh nghiệp là người Thái Lan đã thay đổi đáng kể hệ thống quản trị lẫn dịch vụ, giúp giảm chi phí đầu vào rất nhiều và thu được lợi nhuận cao.
Tương tự, họ mua cổ phần của Vinamilk cũng thu lãi rất lớn. Với cách thức mua lại cổ phần của các DN Việt Nam có giá trị thương mại cao, họ có khả năng chiếm lĩnh. Khi những ông lớn này đã đứng vững trên TTBL Việt Nam, những nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.
- Xin cảm ơn bà.