Đồ thị giá bắp trên sàn CBOT gần đây cho thấy thiết lập xu hướng tăng, nguyên nhân do các yếu tố tiềm ẩn khả năng tác động lên nguồn cung trong thời gian tới, như căng thẳng có nguy cơ tái leo thang ở Biển Đen, xác suất xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang tăng lên.
Cung - cầu đều giảm
Theo dự báo cung - cầu 2022-2023 mới nhất hồi tháng 1 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cả nhu cầu và nguồn cung thế giới đều giảm so với mùa vụ 2021-2022. Nhu cầu giảm 3% xuống còn 1,17 tỷ tấn, sản lượng bắp dự báo chỉ đạt 1,16 tỷ tấn, giảm 4,9% so với mùa vụ trước. Như vậy dự kiến cán cân cung - cầu thế giới thiếu hụt khoảng 9,54 triệu tấn bắp.
Mặc dù sản lượng bắp dự kiến tăng ở Brazil (+9 triệu tấn), Argentina (+2,5 triệu tấn) và Trung Quốc (+4,6 triệu tấn), nhưng vẫn không bù đắp được sự sụt giảm lớn ở Mỹ và châu Âu, do các khu vực này bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và chi phí các nguyên liệu như phân bón tăng cao. Sản lượng bắp ở Mỹ giảm tới 34,1 triệu tấn do sự dịch chuyển xu hướng gieo trồng từ bắp sang đậu nành (loại cây có chi phí phân bón thấp hơn). Khu vực EU được dự báo chỉ đạt 54,2 triệu tấn, giảm 16,8 triệu tấn. Ukraine giảm mạnh 15,1 triệu tấn do tác động của chiến sự kéo dài.
Chiến sự đe dọa nguồn cung
Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp ở Ukraine cho biết diện tích trồng bắp của nước này có thể giảm 35% trong năm 2023 cho nông dân thiếu tiền và tình trạng thiếu điện. Do ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh, nhiều vùng đất ở phía Đông, Nam và Bắc của Ukraine đã nằm trong sự kiểm soát của Nga hoặc bị hư hại. Các cơ sở năng lượng của Ukraine cũng bị tàn phá dẫn đến thiếu điện trên diện rộng và kéo dài. Hội đồng Nông nghiệp Ukraine thông tin trên truyền hình quốc gia cho biết một diện tích trồng bắp đáng kể từ năm 2022 vẫn đang còn trên cánh đồng, nhưng không thể thu hoạch.
Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, nông dân đã thu hoạch 25,2 triệu tấn bắp từ 90% diện tích dự kiến, tương đương 3,8 triệu ha với năng suất 6,65 tấn/ha tính đến ngày 26-1. Đó là những gì đã ghi nhận sau khi trải qua chiến sự kéo dài từ hồi tháng 2-2022 đến nay. Tuy nhiên, những căng thẳng leo thang gần đây giữa những bên có liên quan trực tiếp là Nga-Ukraine và cả các quốc gia lân cận khu vực cũng như NATO đã làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh mở rộng và cường độ tăng thêm. Ngày 1-2, ông Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), cho rằng NATO đang làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga khi ngày càng cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến.
Bên cạnh nguồn cung bị tác động trực tiếp ở Ukraine, khu vực châu Âu cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi việc chi phí nguyên liệu gia tăng hoặc thiếu hụt. Con số dự báo sản lượng sụt giảm ở châu Âu mới dựa trên những tác động tính đến hiện tại của cuộc chiến. Yếu tố không chắc chắn với chiều hướng nguồn cung sụt giảm hơn nữa do diễn biến khó lường trong thời gian tới. Và chừng nào sự không chắc chắn này còn duy trì, giá bắp vẫn được hỗ trợ cho xu hướng tăng.
Rủi ro thời tiết gia tăng
Dự báo thời tiết cho các khu vực trồng trọt ở Argentina cho thấy nhiều khu vực rất ít khả năng có mưa trong khoảng đầu tháng 2. Nếu tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn, hạn hán có nguy cơ xảy ra ảnh hưởng tới năng suất cây trồng của quốc gia này. Trên bình diện lớn hơn, các chuyên gia thời tiết cho biết La Nina đang suy yếu, nhưng El Nino cực đoan sẽ quay trở lại (kể từ đợt El Nino 2016-2017), có thể làm thay đổi hoàn toàn tình hình các mùa thời tiết trong năm 2023, thậm chí kéo dài sang 2024.
Đối với các nhà giao dịch nông sản, sau khi trải qua giai đoạn La Nina 2021-2022 đến nay, các con số dự báo sản lượng của các tổ chức thường không theo kịp diễn biến thời tiết. Khi mức độ La Nina ngày càng tăng lên, các con số sản lượng được điều chỉnh giảm liên tục, với mức độ điều chỉnh sản lượng có thể thay đổi lên đến 40-50% từ lúc dự báo ban đầu cho đến lúc kết thúc của giai đoạn ảnh hưởng. Vì lẽ đó, khi yếu tố không chắc chắn đang tăng lên, thị trường giao dịch thường đón đầu trước thông qua việc mua bán định giá trên sàn. Và điều này củng cố cho xu hướng giá bắp tăng thêm.
Động lực vững vàng từ Trung Quốc
Hầu hết tổ chức dự báo lớn đều đưa ra con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc hơn 4% trong năm 2023, như Goldman Sachs (4,5%), World Bank (4,3%), Liên hiệp quốc (4,8%)… Với động thái xoay chiều dứt khoát của Trung Quốc trong việc kết thúc zero Covid, có thể thấy điểm tắc nghẽn của kinh tế nước này và thế giới đã được tháo gỡ. Sự quay trở lại của nền kinh tế Trung Quốc có tác dụng rất lớn đến xu hướng giá hàng hóa nguyên liệu gần đây, đặc biệt những mặt hàng có liên quan tới nhu cầu tiêu thụ lớn của quốc gia này như đồng, kẽm, đậu nành, bắp…
Thống kê từ năm 2015 đến nay, nhu cầu tiêu thụ bắp của Trung Quốc có sự tương quan thuận rất cao đối với tăng trưởng GDP nước này. Với sự đồng thuận về dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023, giá bắp được hỗ trợ xu hướng tăng từ yếu tố này. Trong khi đó, với nguy cơ El Nino xảy ra trong năm nay, con số dự báo sản lượng tăng ở Nam Mỹ có nhiều khả năng phải điều chỉnh giảm trong những tháng báo cáo sắp tới của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Điều này càng làm rõ thêm sự thiếu hụt trong cán cân cung - cầu vốn đang diễn ra ở hiện tại, giúp dư địa tăng giá bắp vẫn còn nhiều trong thời gian tới.
Chiến sự ở Ukraine đe dọa nguồn cung, rủi ro thời tiết gia tăng và sự quay trở lại của nền kinh tế Trung Quốc… đang hỗ trợ dư địa tăng giá bắp trong thời gian tới.