Thị trường chứng khoán chỉ như cú vấp nhẹ

(ĐTTCO) - Những ngày qua, giới đầu tư xôn xao trước sự kiện Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Xử phạt hành chính vi phạm làm giá cổ phiếu (CP) thì đã có hàng trăm vụ, nhưng đây là lần đầu tiên tội này được xử lý hình sự. 
Kể từ khi dòng tiền mới vào thổi bùng thanh khoản lên, giao dịch của những CP cơ bản - thí dụ rổ VN30 - giảm thị phần thê thảm do trào lưu đầu cơ tràn lan.
Kể từ khi dòng tiền mới vào thổi bùng thanh khoản lên, giao dịch của những CP cơ bản - thí dụ rổ VN30 - giảm thị phần thê thảm do trào lưu đầu cơ tràn lan.

Nhìn từ góc độ hẹp, sẽ có không ít nhà đầu tư (NĐT) thiệt hại, nhưng nhìn tổng thể thì thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đi theo hướng phát triển tốt hơn.

“Rúng động” theo nghĩa... tốt
Tin “bắt bớ” là một dạng thông tin đặc biệt đối với TTCK, nhất là những thông tin về “yếu nhân” có liên quan tới thị trường. Tuy nhiên, dạng thông tin này không phải mới. Việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng giá CP được thị trường hồ hởi đón nhận vì nỗi nhức nhối lâu nay của số đông NĐT là xử phạt hành chính quá nhẹ so với những lợi ích của việc làm giá CP đem lại, hoặc quá nhỏ so với thiệt hại mà NĐT phải gánh chịu. Nhóm CP FLC từ lâu đã “nổi tiếng” vì biến động giá, như trường hợp của CP ROS, một thời gian tăng gần 20 lần chỉ trong 1,5 năm kể từ khi lên sàn. Một CP từng có thị giá hàng trăm ngàn đồng, trong hơn 1 năm kế tiếp lại rơi xuống mức “ve chai đồng nát” vài ngàn đồng thì không thể có yếu tố cơ bản nào lý giải nổi.
TTCK có phản ứng mạnh theo hướng tiêu cực trước thông tin “bắt bớ” này hay không? Câu trả lời là vừa có, vừa không. “Có”, đơn giản là do ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến không ít CP. “Không”, cũng đơn giản là do những CP bị ảnh hưởng không đại diện được cho thị trường.
Ngay sau khi thông tin gây tranh cãi về việc “cấm xuất cảnh” với ông Trịnh Văn Quyết, ngày 29-3 giá nhóm CP “họ” FLC như: FLC, ROS, HAI, KLF, ART, AMD đã giảm sàn đồng loạt và rất khó thanh khoản. Đến khi thông tin bắt giữ được công bố, ngày 30-3 nhóm CP này chính thức mất thanh khoản, rất ít người mua, trong khi hàng ngàn tỷ đồng giá trị CP được các NĐT bán tống bán tháo. Ảnh hưởng lan tỏa từ biến cố này kéo theo hàng loạt CP bất động sản có tính đầu cơ cao khác cũng giảm theo. Đó chính là tác động tiêu cực trực tiếp của sự kiện và những nhà đầu cơ say mê tại đây có khả năng cao bị thua lỗ.
Tuy nhiên, nhóm CP FLC chỉ có dăm bảy mã, ngay cả các CP hay được đầu cơ cũng chỉ vài chục mã. Đó chỉ là một phần nhỏ trong cả ngàn CP đang được giao dịch ở các sàn. Trong khi các CP đầu cơ đồng loạt giảm giá, cũng có hàng trăm CP khác biến động rất nhỏ, thậm chí vẫn tăng giá bình thường. Đối với những NĐT thật sự, cuộc khủng hoảng vì thua lỗ bán tháo nói trên đang xảy ra ở đâu đó rất xa và chỉ được tường thuật trên… tivi, còn thế giới của họ vẫn rất bình yên.
Một câu hỏi nối tiếp cũng quan trọng, là tại sao các CP đầu cơ lại bị bán tháo “theo đuôi” nhóm CP FLC? Câu trả lời rất có thể chính là sự rúng động mang tính tích cực từ sự kiện. Hoạt động đầu cơ, làm giá xuất hiện nhan nhản trên thị trường mà đại đa số NĐT có thể nhìn thấy, chỉ là không thể chứng minh vì thiếu bằng chứng. Những đội lái phím hàng, hô hào cũng nhan nhản trên các diễn đàn, nhóm kín. Thực tế này giống như tình trạng vi phạm luật giao thông diễn ra suốt ngày trên đường, nhưng không phải lúc nào cũng có thể xử phạt hết. Chính vì vậy, việc xử lý hình sự vụ thao túng giá CP của ông Trịnh Văn Quyết là hồi chuông cảnh báo chói tai, giống như một đợt “ra quân” xử lý vi phạm luật giao thông và đột nhiên đường thông hè thoáng vậy.

Cơ hội định hướng lại dòng tiền
Vụ “bắt bớ” đối với ông Trịnh Văn Quyết không phải là vụ đầu tiên mà TTCK phải đối diện. Ngày 21-8-2012, thị trường đã phản ứng tiêu cực với sự kiện bắt “bầu Kiên” và liên quan trực tiếp là CP ACB; ngày 21-10-2014 là sự kiện bắt Hà Văn Thắm và liên quan trực tiếp là CP OGC; ngày 1-8-2017 là sự kiện bắt Trầm Bê với CP liên quan là STB; ngày 29-11-2018 là sự kiện bắt Trần Bắc Hà với CP liên quan là BID.
Không khó để nhìn lại rằng, ảnh hưởng từ những sự kiện đó tới giá CP lẫn thị trường nói chung, chỉ như một cú vấp nhẹ và sau đó không mấy người còn nhớ nữa. CP liên đới lẫn thị trường chung vẫn tiến về phía trước vì một lý do rất đơn giản: không thể đánh đồng một cá nhân với một tập thể. Không có Trần Bắc Hà thì BIDV vẫn cứ là một ngân hàng tốt. Không có “bầu Kiên” thì ACB vẫn cứ phát triển. Và nếu lèo lái tốt, chuyển giao quyền lực êm thấm, “lái Quyết” cũng sẽ chỉ là một cái tên để NĐT vài năm nữa gọi ra như một thí dụ về sự lừa đảo cho các F0 nghe.  
Kể từ khi lực lượng NĐT mới tham gia ồ ạt vào TTCK 2 năm trở lại đây, xu hướng đầu cơ ngắn hạn, chụp giật bùng nổ. “CP tốt là CP tăng giá” là tôn chỉ của dòng tiền đầu cơ này, bất chấp đó là những CP của doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm đến mức sẽ bị hủy niêm yết. Thanh khoản lớn trên thị trường là điều tốt, nhưng sẽ là không tốt nếu dòng tiền dồi dào đó “mù quáng” đến mức làm đảo lộn cả giá trị thông thường của thị trường chứng khoán.
Mặt khác, “tiền lệ” án hình sự đầu tiên với hoạt động thao túng giá CP sẽ là tín hiệu cảnh báo cho các đội lái. Sẽ không có chuyện tính cả tiền phạt hành chính vào “chi phí làm giá” như trước. TTCK cần những cú sốc đúng cường độ để nhắc nhở rằng một trong những “huyết mạch” của nền kinh tế cần có dòng tiền đầu tư thông minh làm chủ đạo, chứ không phải dòng tiền “ranh ma” thắng một canh bạc.
 Không khó để nhìn lại những sự kiện “dạng bắt bớ” liên quan đến giá CP lẫn thị trường nói chung, chỉ như một cú vấp nhẹ và sau đó không mấy người còn nhớ nữa.

Các tin khác