Thị trường địa ốc đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan

(ĐTTCO) - Một trong những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua là sa sút niềm tin từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng.
 Một dự án mới thu hút khách hàng.
Một dự án mới thu hút khách hàng.

Sự mất niềm tin đó có nguyên nhân từ việc pháp lý nhiều dự án không được tháo gỡ, hồ sơ đi lòng vòng khiến dự án “đóng băng”, doanh nghiệp điêu đứng, người mua nhà không nhận được nhà để ở. Tuy nhiên, sự quyết liệt gần đây của các cấp chính quyền đã vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư.

Hàng ngàn căn hộ được phép đưa ra thị trường

Thời gian gần đây, mỗi tuần lãnh đạo UBND TPHCM cùng với các sở ngành có từ 2-3 cuộc họp với các chủ đầu tư để xem xét “điểm nghẽn” của từng dự án cụ thể. Sau hơn 2 tháng vào cuộc, đã có nhiều dự án được tháo gỡ. Thông tin từ UBND TP cho biết, TP đã cho phép 5 doanh nghiệp được huy động vốn 50% số lượng căn hộ nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, UBND TP đã cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có một tập đoàn BĐS nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương 5.432 căn hộ. Trong đó có 2.989 căn hộ thuộc dự án khu đô thị mới.

Đây là các dự án thuộc diện rà soát pháp lý chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây, đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, còn có dự án khu nhà chung cư tại quận 4 cũng được UBND TP cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành rà soát giải quyết.

Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), hiện TP có 156 dự án BĐS gặp vướng, chủ yếu thuộc diện rà soát pháp lý nhưng đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật. Trong đó, có những dự án có nguồn gốc đất công, có dự án bị vướng phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung, dẫn đến bị dừng triển khai, dừng huy động vốn…

Có dự án vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, hoặc việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền…

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án BĐS bị vướng mắc pháp lý. ,

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS quý I đã có tín hiệu tích cực khi cơ quan quản lý triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp đang duy trì hoạt động thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng cho khách hàng.

Trong quý II, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ… Do vậy, dự báo thị trường BĐS sẽ ấm hơn vào cuối quý II.

Hy vọng thị trường khởi sắc

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi Chính phủ có động thái tháo gỡ những bất cập cho thị trường BĐS, cũng như UBND TPHCM có nhiều cuộc họp để xem xét cho từng dự án nhà ở đang bế tắc lâu nay, niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng bắt đầu quay lại với thị trường BĐS.

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó tổng Giám đốc PropertyX, cho biết hiện nay công ty đang “chạy” dự án Avatar (Thủ Đức) với quy mô hơn 2.000 căn hộ. Dự án này đang nhận được sự quan tâm của khách hàng, khi mỗi ngày có hàng chục căn hộ đã được khách hàng đăng ký giữ chỗ. Trước đó, một dự án căn hộ tại huyện Hóc Môn được doanh nghiệp này đưa ra thị trường cũng được khách hàng đón nhận với những tín hiệu rất tốt.

Theo ông Trần Hiếu, Phó tổng Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Tập đoàn DKRA, qua ghi nhận công tác bán hàng trong 10 ngày qua tại một số dự án trên địa bàn TPHCM, cho thấy niềm tin của khách hàng đã trở lại với BĐS.

Cụ thể, dự án The Classia Khang Điền (TP Thủ Đức) mỗi tuần bán 8 căn, với tổng doanh thu ước tính 200 tỷ đồng. Dự án De La Sol (quận 4) của CapitaLand mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn, với giá trị bình quân 7 tỷ đồng/căn. Dự án The Maq (quận 1) của Hongkong Land theo ghi nhận tuần qua bán 7 căn, với giá trị giao dịch 20-25 tỷ đồng/căn. Hay mới đây Keppel Land tung ra 100 căn Celesta (huyện Nhà Bè) chỉ trong 1 ngày đã giao dịch hơn 70% rổ hàng. Bởi lẽ, chính sách thanh toán của dự án này kéo dài, mỗi tháng khoảng 1% giá trị căn hộ.

Tuy nhiên, khách hàng khá thận trọng và chỉ đặt niềm tin với những dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, phương thức thanh toán linh hoạt. Như dự án Delasol sau khi cất nóc mới mở bán và có nhà mẫu để khách hàng trải nghiệm.

Tại thị trường các tỉnh xung quanh TPHCM cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Lê Tiến Vũ, Tổng Giám đốc Cát Tường Land, cho biết hiện công ty đang triển khai bán một số dự án nhà phố ở các tỉnh, như khu nhà phố bên sông Taka Garden Riverside Homes (Tân An, Long An); Khu đô thị Cát Tường Western Peal (TP Vị Thanh, Hậu Giang); Khu đô thị phức hợp Cát Tường Phú Hưng (TP Đồng Xoài, Bình Phước). Các dự án này đều thu hút khá đông khách hàng quay trở lại với những giao dịch thành công, cho thấy tín hiệu khá lạc quan.

“Chúng tôi xây dựng chính sách bán hàng để khách hàng thanh toán linh hoạt, như thanh toán 20% còn lại trả góp trong vòng 48-60 tháng lãi suất 0%, tặng vàng, chiết khấu, hỗ trợ lãi vay… Pháp lý dự án rõ ràng, dự án xây sẵn… Chính vì vậy đã tạo niềm tin cho khách hàng” - ông Vũ chia sẻ.

Còn tại thị trường Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding, cho biết hiện công ty đang đưa ra thị trường “đất nền, sổ đỏ” với giá dưới 1 tỷ đồng, cũng khá thu hút khách hàng. Tâm lý của nhiều người hiện nay là thích đầu tư BĐS an toàn, sản phẩm thật và xây tốt. Đặc biệt thanh toán càng dài và càng chẻ nhỏ khách hàng càng thích mua.

Dưới tác động tích cực từ chính sách, thị trường BĐS gần đây đã giao dịch trở lại. Dù chưa thể sôi động ngay, nhưng điều này cho thấy dấu hiệu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.

Các tin khác