Thị trường khởi nghiệp Việt Nam còn thiếu nhiều khung chính sách

(ĐTTCO)- Các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang mới và thiếu. Khoảng 3 năm nữa khung pháp lý và chính sách hỗ trợ mới được hoàn thiện.
Thị trường khởi nghiệp Việt Nam còn thiếu nhiều khung chính sách

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo với chủ đề "Đầu tư cho Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về những quy định và chính sách mới trong hoạt động khuyến khích đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Quy định về Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 

Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị định 38 ra đời đã tạo sự đồng thuận rất lớn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư khi nắm bắt được chính sách của Việt Nam khuyến khích đầu tư khởi nghiệp thì đã đến tìm hiểu. Đây là tín hiệu vui của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. 

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng: “Các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam còn rất mới và thiếu, để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ phải mất khoảng 2-3 năm nữa mới xong. Đơn cử, việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại, gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển. Còn những khoản liên quan đến việc tìm hiểu thị trường, cách thức ra nước ngoài hoạt động ra sao thì vẫn chưa có khoản chính sách hỗ trợ”. 

Những người đầu tư cho khởi nghiệp phải hiểu về khởi nghiệp, có kinh nghiệm, và phải có tiền để đầu tư cho nhiều doanh nghiệp. Chình vì thế mà cần có chính sách để hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về thuế, về vốn đối ứng đầu tư, bà Lan cho biết thêm.

Ngoài ra, các mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hay sàn dành cho khởi nghiệp hiện nay chưa có. Chính vì vậy, thị trường khởi nghiệp của Việt Nam còn thiếu nhiều khung chính sách. Các bộ, ngành đang rất nỗ lực để nghiên cứu và đề xuất Chính phủ xem xét và quyết định những chính sách mới. 

Còn theo bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước khi có Nghị định 38, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu là quỹ ngoại, các nhà đầu tư trong nước hoạt động dưới hình thức công ty. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước muốn lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình thông lệ quốc tế rất khó đáp ứng các điều kiện thành lập, yêu cầu hoạt động của Luật chứng khoán, và hầu như không tham gia đầu tư cho khởi nghiệp. 

Nghị định 38 mới đã bổ sung thêm một kênh mới đầu tư về quỹ khởi nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đưa ra nguyên tắc chung, quy định chung làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân khi cùng nhau góp vốn thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua hình thức quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. 

“Mặc dù Nghị định này không hoàn toàn giúp thu hút đầu tư cho khởi nghiệp, nhưng đây sẽ là động thái giúp khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”, bà Hương cho hay.

Ông Hồ Nghĩa Thứ, Chủ tịch Công ty cổ phần Kiến trợ, tạo thành công & hạnh phúc cho rằng, trước đây, sợi dây kết nối giữa các doanh nghiệp và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế, thì Nghị định 38 đã tạo ra cầu nối tốt hơn. Khi đã có sợi dây kết nối, các nhà đầu tư chưa dám đầu tư vào doanh nghiệp trẻ sẽ mạnh dạn hơn. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, Đề án 844 của đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài...

Các tin khác