Nhiều kinh tế gia thế giới đã đưa ra một kịch bản khá bi quan về tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc, có thể giảm dưới 2%. Để ngăn chặn dịch bệnh, Trung Quốc đã cô lập các khu vực kinh tế và thông báo cho các doanh nghiệp (DN) không được mở cửa làm việc ít nhất đến ngày 10-2-2020.
24 tỉnh bị cô lập đang đóng góp 80% GDP của Trung Quốc và 90% xuất khẩu (tính theo dữ liệu năm 2019). Đồng thời, việc cô lập này đã làm suy giảm trầm trọng chi tiêu hộ gia đình, ngăn cản hơn 48 triệu dân di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley ước tính việc đóng cửa các nhà máy mỗi tuần sẽ làm giảm 5-8% sản lượng công nghiệp của nước này. Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài buộc phải đóng cửa dài ngày để tránh những vấn đề liên quan đến dịch bệnh phát tán.
Điều này càng làm trầm trọng nguy cơ đóng cửa dài ngày các nhà máy và cửa hàng tại quốc gia này. Đó chính là mối quan tâm lớn mà các chuyên gia kinh tế thế giới cảnh báo về kinh tế Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sụt giảm còn 4-4,5% trong quý I-2020.
Trung Quốc trong mắt xích toàn cầu
Kể từ khi dịch nCov bùng phát đã có nhiều đánh giá về tác động đến nền kinh tế Trung Quốc lẫn kinh tế thế giới. Tính đến nay đã có đến 29 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm bệnh, có đến 28 hãng hàng không ngưng các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc.
Nhiều quốc gia đã hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc cũng đã và đang đóng cửa nhà máy, cửa hàng kinh doanh. Qua đó làm suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và thế giới.
Kinh tế Trung Quốc đang ở trong xu hướng suy giảm hơn 10 năm qua, điều này do các yếu tố nội tại thúc đẩy kinh tế đang dần suy giảm. Tổng mức đầu tư của nền kinh tế cũng suy giảm theo, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho nhiều nhà máy, nhiều công ty thay đổi địa điểm đầu tư.
Ngày nay, dịch bệnh nCov như là giọt nước làm tràn ly, đẩy các công ty đa quốc gia tìm kiếm một sự lựa chọn mới không chỉ là chi phí nhân công mà còn các vấn đề liên quan đến quá trình kinh doanh của chuỗi cung ứng, khi mà các nhà máy của họ đang buộc phải đóng cửa dài ngày vì dịch bệnh.
Tại Vũ Hán, trung tâm dịch bệnh có đến 348 nhà máy sản xuất, 89 trung tâm nghiên cứu phát triển… trong đó đáng chú ý là 2 ngành có số lượng nhà máy nhiều nhất trong số các ngành: ô tô (146 nhà máy), sản xuất phần cứng (68 nhà máy), thiết bị điện (47 nhà máy), sản phẩm tiêu dùng (32 nhà máy), thiết bị vận tải (28 nhà máy), máy móc (22 nhà máy)…
Khi các nhà máy bị đóng cửa dài ngày đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong việc thiếu hụt nguyên liệu và ảnh hưởng đến dây chuyền hoạt động sản xuất của cả tập đoàn đa quốc gia cũng như cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gián đoạn càng được lan rộng.
Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa sản xuất trung gian lớn nhất thế giới, sự phụ thuộc của thế giới vào các hàng hóa đó đã tăng lên gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2015 và đạt con số 20%. Điều này đưa đến các quốc gia châu Á phụ thuộc vào các sản phẩm sản xuất ra từ Trung Quốc.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD), các nước châu Á nhập khẩu khoảng 40% hàng hóa trung gian này tại Trung Quốc, và Mỹ nhập khẩu chỉ 10% hàng hóa trung gian này từ các nhà máy Trung Quốc. Qua dữ liệu này càng thấy tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà đại dịch nCov gây ra một khi nó chưa được kiểm soát.
Cùng quan điểm này, nhiều đánh giá đưa ra trên khía cạnh quy mô của nền kinh tế Trung Quốc chiếm 17% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có mối quan hệ thương mại lớn nhất đối với các nước láng giềng, những quốc gia sự phụ thuộc này càng lớn tổn thất càng cao.
Qua đó, Bloomberg đưa ra dự báo kinh tế Hồng Kông suy giảm 1,7 điểm phần trăm trong quý I-2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam được hưởng lợi từ du lịch của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Australia và Brazil là 2 quốc gia xuất khẩu nhiều vào Trung Quốc.
Ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu từ tác động của nCov trong quý I-2020.
Thị trường đang bước vào kỳ vọng tốt
Tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu về cơ bản đã được trấn an và đi vào kỳ vọng bởi đại dịch cúm nCov đã được kiểm soát và có thuốc điều trị. Minh chứng cho điều này là tỷ lệ người tử vong ngoài Trung Quốc đã được kiểm soát.
Qua đó làm tăng kỳ vọng phương án trung dung cho kịch bản kinh tế thế giới sẽ diễn ra: Thế giới sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và tìm ra phương thuốc điều trị hữu hiệu. Tuy nhiên, kịch bản này đã đẩy thị trường vào một áp lực cho chính Trung Quốc trong ứng xử các dữ liệu về dịch bệnh và giới khoa học trong việc tìm kiếm phương thuốc hữu hiệu.
Ngay khi TTCK Trung Quốc mở cửa sau kỳ nghỉ tết kéo dài vì dịch bệnh, NHTW Trung Quốc đã bơm ra 22 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản thị trường đồng thời tạo ra những kỳ vọng lạc quan về dịch bệnh. Theo thời gian, áp lực này càng lớn mạnh sẽ dễ dàng tạo ra những bất ổn tiềm tàng cho thị trường khi mà đỉnh của dịch bệnh tại Trung Quốc chưa đến.
Đồng thời các số liệu dịch bệnh lại được báo cáo từ chính quyền Trung Quốc trong khi các công ty quốc tế có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa để tránh lây nhiễm.
Về cơ bản, hiện tại TTCK toàn cầu đang có những kỳ vọng cơn dịch sẽ sớm được kiểm soát và thế giới tìm ra được phương thuốc điều trị hữu hiệu để ngăn dịch bệnh, qua đó khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tổng cầu của nền kinh tế.