Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2/2022 là 51,6 triệu người. So với quý trước lực lượng lao động ở cả 2 khu vực, nông thôn và thành thị đều tăng, lần lượt tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người. Trong quý 2, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian này, số người thất nghiệp là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo thống kê của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206.000 đồng so với quý 1/2022; Người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Những con số này cho thấy, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc, không chỉ qua các con số thống kê về công ăn việc làm, số người gia nhập lực lượng lao động mà thu nhập và đời sống của người lao động cũng đã được cải thiện hơn.
TS.Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nhận định, sau đợt dịch lần thứ 4 căng thẳng, thị trường lao động cả nước gần đây có dấu hiệu hồi phục, nhiều người về quê đã quay trở lại làm việc và bổ sung thêm một lực lượng lao động mới khoảng gần 1 triệu người.
Ông Phong cho rằng, nguồn cung lao động tương đối tốt, nhưng có 2 vấn đề đang đặt ra, một là tình trạng lao động nhảy việc vẫn diễn ra, hai là còn thiếu hụt lao động ở một số lĩnh vực như dệt may hoặc ở các khu công nghiệp, bởi những người lao động về quê họ đã thích nghi với công việc ở địa phương và địa phương cũng có chính sách để giữ chân người lao động. Đó là chưa kể một bộ phận bỏ phố về quê và lập nghiệp ở quê, khiến thị trường lao động chưa thể dồi dào như trước.
“Mức lương của người lao động trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh nhất định ở một số đơn vị, nhất là tại những nơi muốn giữ chân và thu hút những người có năng lực. Nhìn chung, bức tranh về lực lượng lao động là tương đối sáng sủa nhưng chưa thực sự lạc quan, mà nhân lực chất lượng cao vẫn là vấn đề đang được đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.
Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính nhận định, thị trường lao động từ nay đến cuối năm của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc. Minh chứng rõ nhất cho điều này là tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý 3 rất cao; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 30-40%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại khôi phục sản xuất cũng tăng lên hơn 20%. Như vậy, số lượng doanh nghiệp tăng lên thì nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên, do đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục thăng hoa trong thời gian tới.
Nhiều người lo ngại, dịch Covid-19 vẫn tồn tại và có dấu hiệu gia tăng, liệu điều này có ảnh hưởng đến thị trường lao động trong thời gian tới? Với cái nhìn lạc quan, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp trong thời gian qua và còn tiếp tục trong thời gian tới, đây là một trong những nguyên nhân có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, không nên bi quan về điều này, bởi dịch đậu mùa khỉ, dịch Covid-19 vẫn có khả năng bùng phát nhưng độ nặng giảm đi. Trải qua 2 năm thăng trầm vì dịch bệnh, các doanh nghiệp đã làm quen, chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch. Có thể khẳng định rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường lao động tại Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung sẽ sôi động hơn.
“Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục phát triển trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp. Trong bối cảnh như vậy, thị trường lao động của Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi, nhưng về cơ bản thì chiều hướng ấm lên và tốt hơn là rất rõ nét”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
“Với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Mới đây, Trung tâm tiếp nhận đơn hàng từ một doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động làm việc ở khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành nghề xây dựng. Qua đó thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng lên, lực lượng lao động tìm kiếm việc làm cũng gia tăng. Đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc tuyển dụng lao động không khó mà “giữ chân” người lao động mới khó, để hạn chế tình trạng người lao động bỏ việc, “nhảy việc” và để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải đi sâu, đi sát, nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động. Cần nhìn vào thực tế, thời gian vừa qua, việc tăng lương, thưởng cho người lao động chưa được như mong muốn, trong khi giá cả sinh hoạt đầu vào có chiều hướng tăng lên, vì thế, cần phải xem lại cơ chế cho người lao động. Với những doanh nghiệp có cơ chế làm thêm giờ thì cần chú trọng đến lương, thưởng để khuyến khích họ làm việc, sáng tạo.
Cùng với đó, cần tạo một môi trường làm việc thân thiết, năng động; chú trọng đào tạo tay nghề kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên, từ đó người lao động yên tâm với việc có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đỡ rất nhiều chi phí nếu như giữ được lực lượng có tay nghề, họ biết việc, biết tổ chức sản xuất, có kỹ thuật tốt và có tay nghề cao, nếu làm được điều này thì lợi ích đem lại cho doanh nghiệp là rất lớn.