Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng lo lắng khi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: NGÔ BÌNH
Thất nghiệp khi tết cận kề
Chị Nguyễn Thị Tiễn (quê Cà Mau) trở về phòng trọ tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TPHCM) sau một buổi đi làm “trái nghề” sau khi công ty cho chị tạm nghỉ việc. Chị Tiễn kể, chị làm công nhân tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) gần 10 năm, thế nhưng đầu tháng 11-2022, chị cùng hơn 1.400 công nhân khác hoang mang khi nhận được thông báo công ty gặp khó khăn phải cắt giảm lao động.
Những người làm việc dưới 1 năm, đến thời hạn tái ký hợp đồng sẽ bị cho nghỉ việc và không được hưởng chế độ chính sách gì. Những công nhân làm lâu năm được cho tạm nghỉ việc không lương, không thời hạn, đến khi có việc thì công ty sẽ gọi vào làm lại; ai không chờ được thì có thể nộp đơn xin nghỉ việc.
“Chờ không biết đến bao giờ mới có việc làm, mà xin nghỉ để đi tìm việc chỗ khác cũng không xong vì công ty sẽ không trả trợ cấp mất việc hoặc thưởng cuối năm”, chị Tiễn buồn bã nói.
Để trang trải cuộc sống, chị Tiễn phải làm thêm nhiều việc, từ hái ớt đến rửa chén bát cho quán ăn. Tuy làm một lúc nhiều công việc thời vụ nhưng mỗi tuần chị chỉ kiếm được khoảng 500.000 đồng. “Trước đây, làm công nhân 1 tháng được 8-9 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì vẫn còn một ít gửi về quê cho các con ăn học. Nay tôi chạy đôn chạy đáo nhưng cũng chỉ đủ để bám trụ lại thành phố. Nếu công ty không có đơn hàng sớm thì tết này tôi phải ở lại chứ không dám về quê”, chị Tiễn thở dài.
Tương tự, chị Phan Thị Tuyết (quê Bình Thuận), công nhân Công ty May Sun Ky Oung Việt Nam (quận 12), phải chạy khắp nơi để tìm việc mới vì công ty chuẩn bị giải thể. Chị Tuyết cho biết, do không có đơn hàng trong thời gian dài nên từ cuối tháng 10-2022, công ty đã thông báo ngừng hoạt động và giải thể từ ngày 10-11. Dù rất buồn nhưng chị cùng hơn 800 công nhân của công ty phải chấp nhận, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“Chỉ còn hơn 2 tháng nữa đến tết mà giờ thất nghiệp, nếu không tìm được việc mới sớm thì không biết lấy gì gửi về cho gia đình”, chị Tuyết bộc bạch.
Cùng hoàn cảnh, từ khi Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 công nhân từ ngày 1-12, vợ chồng chị Liêu Thị Hà (quê Trà Vinh) phải làm thêm nhiều công việc để có thu nhập lo cho hai con ăn học.
“Cuối năm mà cả hai vợ chồng đều bị mất việc như thế này thì khổ quá. Tôi phải đi rửa chén bát, làm giúp việc, chồng thì chạy xe ôm. Hai vợ chồng cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng đó chứ về quê cũng không có ruộng đất, không có việc làm”, chị Hà chia sẻ.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Theo đại diện Công ty TNHH Tỷ Hùng, 2 tháng gần đây công ty không có đơn hàng. Dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng doanh nghiệp không thể khôi phục hoạt động nên phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm 1.185/1.832 lao động thuộc khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất từ ngày 1-12. Vị này cũng cho biết, doanh nghiệp cam kết sẽ chi trả trợ cấp mất việc làm bằng 2 tháng tiền lương cho tất cả công nhân nghỉ việc.
Đối với người lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ chi tiền thưởng năm 2022 với mức 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức thưởng sẽ được tính theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của người lao động.
Đối với hơn 800 công nhân Công ty May Sun Ky Oung Việt Nam (quận 12), Phòng LĐTB-XH quận 12 cho biết, doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ 2 tháng tiền lương đối với người lao động có thời gian làm việc thực tế từ ngày 31-12-2008 trở về trước và hỗ trợ 1 tháng tiền lương đối với người lao động có thời gian làm việc thực tế từ ngày 1-1-2009 trở về sau.
Để giải quyết việc làm cho các lao động của doanh nghiệp này, quận 12 đã liên hệ với các doanh nghiệp khác đang có nhu cầu tuyển lao động để tiếp nhận. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận lao động của Công ty May Sun Ky Oung Việt Nam.
Trong khi đó, sau khi Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) thông báo cắt giảm hơn 1.400 lao động, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp các đơn vị liên quan đã tổ chức các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với người lao động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty đã chấp thuận hỗ trợ mỗi người lao động bị chấm dứt hợp đồng 2 triệu đồng, Công đoàn công ty hỗ trợ 500.000 đồng và LĐLĐ huyện Củ Chi hỗ trợ mỗi người 500.000 đồng. Bên cạnh đó, người lao động nữ trên 40 tuổi và đã làm việc tại công ty đủ 10 tháng trở lên sẽ được giữ lại làm việc đến khi hết hợp đồng lao động. Đối với lao động làm việc chưa đủ 12 tháng, công ty cam kết sẽ cố gắng duy trì việc làm để số lao động này đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, sau khi Công ty TNHH Việt Nam Samho thông báo cắt giảm lao động, UBND huyện đã làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để kết nối việc làm. Qua đó, đã có 6 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển tổng cộng gần 1.500 lao động đồng ý tiếp nhận các lao động bị chấm dứt hợp đồng tại Công ty Samho.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Kết nối để người lao động sớm tìm được việc làm mới |