Các chuyên gia tài chính ngân hàng (NH) cũng nhận định, dù lãi suất huy động giảm nhưng chỉ là xảy ra ở một thời điểm nhất định, khó trở thành xu thế dài hạn. Vì lạm phát năm 2018 tăng rõ rệt trong khi các NH phải chịu áp lực cạnh tranh với những kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản (BĐS), chứng khoán. Do đó, mong đợi về việc vay vốn với giá rẻ của DN cho đến nay vẫn chỉ là sự trông chờ diễn biến thị trường tài chính thuận lợi hơn.
Kỳ vọng lãi suất giảm
Theo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, 5 tháng đầu năm, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo, lãi suất liên NH ổn định ở mức thấp. Thanh khoản dồi dào đã góp phần giảm lãi suất trái phiếu chính phủ ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,66-1,52%/năm so với cuối năm 2017, qua đó giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD rà soát các biện pháp để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng và giảm lãi suất niêm yết chào mua thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm, để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay gần đây đã được điều chỉnh giảm, song để hưởng lãi suất thấp cũng chỉ là những DN có sức khỏe tốt, còn lãi suất cho vay DNNVV vẫn cao. Nhóm DN này đang cần có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế và tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do vậy, NHNN cần xây dựng bảng xếp hạng tín nhiệm cho các DNNVV hàng năm, NHTM dựa vào đó triển khai vay tín chấp, tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho nhóm khách hàng này. TS. CAO SỸ KIÊM, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam |
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN đánh giá, mặt bằng lãi suất về cơ bản tiếp tục duy trì ổn định, một số TCTD đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên (về mức tối đa 6%/năm).
Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 9-11%/năm; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2018, Chính phủ đã giao NHNN một số nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Giải pháp nhanh nhất để thực hiện tiêu chí này là phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, qua gần 6 tháng, chỉ có một số NH giảm lãi suất rải rác ở các kỳ hạn ngắn, còn lại xu hướng chung vẫn tăng lãi suất huy động, tập trung cao ở huy động kỳ hạn dài.
Năm 2017, mức lãi suất tiền gửi VNĐ từ 8%/năm xuất hiện ở vài NH thì hiện nay đã khá phổ biến. Song song đó, các NH còn cộng thêm lãi suất cho hình thức tiết kiệm trực tuyến từ 0,1-0,5%. Hiện chênh lệch lãi suất huy động cao nhất giữa các NH trong hệ thống đã lên đến 2,5%, trong khi trước đây chỉ dưới 2%. Không những vậy, các NH còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất rất cao.
Chẳng hạn, SeABank mới phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VNĐ với mức lãi suất lên tới 8,3%/năm cho các khách hàng cá nhân; VietABank cạnh tranh với chứng chỉ tiền gửi cá nhân Lộc Phát lãi suất cao nhất 8,4%/năm, và chứng chỉ tiền gửi Gắn kết phát triển dành cho những DN lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thông thường…
Giải vướng mắc nợ xấu
Theo NHNN, sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu trước đây đã dần được tháo gỡ. Đến cuối tháng 3-2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ.
Giải vướng mắc nợ xấu
Theo NHNN, sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu trước đây đã dần được tháo gỡ. Đến cuối tháng 3-2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ.
Muốn bán được TSĐB phải thống nhất được giá. Nếu các bên không thống nhất được giá và đưa ra tòa sẽ áp dụng Nghị quyết 42 để thực hiện theo thủ tục rút gọn. Nhưng sau khi có bản án vẫn không thống nhất được giá bán để thanh lý vẫn không thể thi hành án. Điều này khiến quá trình xử lý nợ xấu cũ của các NH không thể đẩy nhanh, trong khi nợ xấu mới tiếp tục phát sinh. Theo đó, gánh nặng dự phòng rủi ro không những không giảm mà còn tăng ở một số NH. TS. BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học NH TPHCM |
Tính lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 3-2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trên địa bàn TPHCM, nợ xấu đến cuối tháng 5 chiếm khoảng 3,2%, giảm khoảng 0,3% so với đầu năm. Về số tuyệt đối, nợ xấu giảm khoảng 17.000- 18.000 tỷ đồng.
Nếu trừ 3 NH 0 đồng, hiện nợ xấu của các NH trên địa bàn TPHCM chỉ còn chiếm 1,9%. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết 42 có vướng mắc do khách hàng cố tình tìm cách lách luật.
Chẳng hạn, theo quy định NHTM chỉ được thu hồi tài sản đảm bảo (TSĐB) không có tranh chấp, nên khách hàng tự tạo ra tranh chấp để NH không xử lý được. Tuy nhiên, sau này NHNN có văn bản quy định nếu tài sản đó xảy ra tranh chấp trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực mới tính, còn tranh chấp xảy ra sau đó khi Nghị quyết 42 có hiệu lực sẽ không tính.
Song Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018, hệ thống TCTD tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu chủ yếu bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Cụ thể, hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; bán cho VAMC 4,3%; phát mại TSĐB để thu hồi nợ chỉ chiếm 1,9%; còn lại là xử lý nợ xấu bằng các hình thức khác.
Điều này cũng thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của các NH. Trong quý I-2018, chi phí dự phòng đã ăn mòn 70% lợi nhuận trước trích lập, với số tiền lên tới 6.000 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 2.500 tỷ đồng. Như BIDV đến cuối quý I tỷ lệ nợ xấu cũng chưa có dấu hiệu giảm, đứng ở mức 1,62%, tương đương quý trước đó. Tại OCB, chi phí dự phòng tăng 89% lên 140 tỷ đồng, còn tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% vào cuối năm 2017 lên 2,13% cuối quý I-2018.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, mặc dù cơ chế xử lý nợ xấu đã có với nhiều điều kiện thuận lợi, phần còn còn tùy thuộc thị trường, tùy thuộc người bán. Trên thực tế, nhiều TSĐB của nợ xấu đã tung ra cả lớn lẫn nhỏ, nhưng người mua lại không có nhiều.
Nguyên nhân vì TSĐB hiện nay chủ yếu BĐS, khó khăn về thủ tục đối với bên mua do liên quan đến yếu tố nước ngoài, còn nguồn lực trong nước lại không có tiền để mua. Ngoài ra, theo quy định trước đây, NH chuyển nợ sang VAMC để nhận trái phiếu đặc biệt nhưng vẫn có trách nhiệm giữ TSĐB. Song quy định mới cho phép VAMC cũng được phép trực tiếp bán TSĐB.
Do đó, để bán được 1 TSĐB cần phải đạt được thỏa thuận giữa 3 bên thay vì chỉ 2 bên như trước. Một vấn đề nữa là phần lớn TSĐB bằng BĐS cho nợ xấu chỉ là bán thành phẩm, các dự án thế chấp vay vốn chỉ mới mới đền bù một phần, còn dang dở nên bên mua nợ sẽ ngại những thủ tục tiếp theo, nên việc bán TSĐB cũng chậm hơn.
Giao dịch tại HDBank.
Bên cạnh đó, lo ngại nợ xấu mới phát sinh vẫn lớn. Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, hiện tại, những NHTM có vốn nhà nước đều cho vay các dự án BOT. Năm 2016, VietinBank cho vay 31 dự án BOT, khoảng 27.886 tỷ đồng (chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay của NH), đứng thứ hai trong hệ thống NH cho vay các dự án BOT.
Trong 31 dự án BOT, có khoảng 21 dự án đã tất toán xong và còn 10 dự án đang xây dựng. Mặc dù NH này báo các khoản cho vay chưa thanh toán hiện tại đều đạt chuẩn, nhưng MBS vẫn dự báo những khoản vay BOT của VietinBank sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản cao, khi thời gian xây dựng dự án không khớp với thời gian cho vay.
Tín dụng đi đúng hướng
Theo NHNN, trên cơ sở mục tiêu định hướng tín dụng năm 2018 là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Chính vì vậy dư nợ tín dụng cũng tăng ngay từ đầu năm và đến ngày 31-5-2018 tăng 6,16% so với cuối năm 2017, đạt trên 6,7 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế NHNN khẳng định, tín dụng trong những tháng đầu năm 2018 đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể đến cuối tháng 5-2018, dư nợ tín dụng của ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 6,8%, dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 5,7%.
Đồng thời, tín dụng tiếp tục được tập trung đẩy mạnh cho các lĩnh vực ưu tiên, với các mức tăng trưởng cao so với cuối năm 2017 như tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8%; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng vọt lên đến 15,64%; tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao nói chung tăng 6,29%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 5,42%; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 2,61%. Trong khi đó, tín dụng cho lĩnh vực BĐS chỉ tăng 2,19%, tín dụng BOT tăng 2,15%, tín dụng đối với chứng khoán giảm 3,92%.
Nhìn vào báo cáo này có thể thấy dòng tín dụng của ngành đang đi đúng định hướng, nắn vốn vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một thông tin trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 5 tháng năm 2018 phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho biết, cơ cấu cho vay một số ngành nghề kinh tế thay đổi nhẹ.
Tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,6% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực xây dựng và BĐS tăng nhẹ lên mức 16,3% (cuối năm 2017 là 16%). Từ 2 kết quả này có thể thấy, so với các lĩnh vực khác, BĐS vẫn là viên “nam châm” hút vốn tốt.
Trong khi đó, để vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, NHNN phải “ra tay” bằng nhiều biện pháp, cụ thể liên tục yêu cầu các NHTM siết vốn đối với các lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, NHNN chi nhánh các tỉnh/thành phố phải đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa NH và DN trong 5 tháng qua để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ để hỗ các DN được vay vốn ổn định sản xuất.