Sản xuất đồ gỗ nội thất tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: THANH HẢI |
Vắng người mua
Ghi nhận tại TPHCM, từ các kho vật liệu xây dựng lớn ở quận 12, huyện Hóc Môn đến các cung đường “hoa lệ” nội thất như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (quận 10, quận Tân Bình)… đều chung cảnh đìu hiu, vắng bóng người mua.
Ông Bùi Thanh Long chủ một cửa hàng lớn chuyên về gỗ xây dựng trên đường Lê Văn Khương (quận 12), cho biết, tình hình buôn bán ảm đạm kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay, doanh số bán hàng chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Quả là ngồi chết trên kho hàng”, ông Long thở dài nói.
Theo ông Long, vật liệu xây dựng không phải như các mặt hàng nhu yếu phẩm khác, khi bất động sản “đóng băng”, các công trình xây dựng giảm thì các lĩnh vực liên đới trực tiếp cũng rất khó khăn, nhất là đối với ngành vật liệu. “Nếu người dân không có nhu cầu thì ngay cả khi chúng tôi giảm giá bán, hay bán hòa vốn, bán lỗ cũng không có khách, vì những vật liệu này không ai mua để dự trữ lúc hạ giá”, ông Bùi Thanh Long chia sẻ.
Tương tự, dọc các “thiên đường” mua sắm vật liệu xây dựng, đồ nội thất như ở tuyến đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình)… cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Kinh doanh thiết bị nhà tắm và nội thất cao cấp hơn 20 năm nay, bà Hoàng Bảo Ngọc Châu, chủ đại lý kinh doanh Thanh Hoa (nằm trên đường Tô Hiến Thành), cho biết, doanh số bán hàng đã bắt đầu giảm từ sau dịch Covid-19, nhưng giảm mạnh từ đầu năm nay. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua doanh thu thấp nhất trong gần chục năm nay, không đủ bù các khoản chi phí.
“Công trình xây dựng mới giảm mạnh, người mua cũng giảm. Nếu trước đây, người ta có thể bỏ ra 200-300 triệu đồng trang trí nội thất, nhưng với tình hình khó khăn hiện tại, gần như rất ít người xây nhà mới hoặc mua sắm vật liệu làm đẹp ngôi nhà”, bà Châu nói.
Trong khi đó, anh Vũ Đình Kiên, Công ty Vật liệu xây dựng TNHH Taika Tiles (quận 12), chuyên bán gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh, cũng cho biết, tình hình kinh doanh đặc biệt khó khăn từ khoảng một năm nay. “Cứ nghĩ rằng sau tết thì nhu cầu xây dựng nhiều, nên công ty đã nhập một lượng lớn hàng dự trữ để có được giá tốt. Nhưng thực tế tiêu thụ quá chậm khiến lượng hàng tồn kho trong thời gian dài, công ty không có dòng tiền để xoay, hết sức khó khăn”, anh Kiên nói.
Theo thống kê của các hiệp hội ngành vật liệu xây dựng thì hầu hết các ngành từ gỗ, nội thất, sắt thép, gạch… đều ghi nhận sức tiêu thụ giảm mạnh. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết, tình hình kinh doanh xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn do mức tiêu thụ thấp. Còn theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện sản lượng giảm cả chiều sản xuất, nhập khẩu lẫn tiêu thụ, và tính từ đầu năm đến nay đã giảm giá liên tiếp 8 lần!
Mong chờ công trình từ đầu tư công
Với hơn 20 năm trong nghề, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng, sức mua yếu không chỉ có một năm mà trong hơn 10 năm qua khiến thị trường gỗ đã có những năm thăng trầm. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã vượt qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm nay cố gắng vượt khó để đưa ngành gỗ phát triển trở lại.
Để phục hồi thị trường, bên cạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới vừa đáp ứng thị hiếu, vừa có sức cạnh tranh; cải tiến dây chuyền công nghệ, bỏ bớt dư thừa nhằm tiết kiệm trong sản xuất; đồng thời tiếp cận sự hỗ trợ chính sách ưu đãi từ Nhà nước...
Về động lực thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng vượt khó, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga phân tích, năm nay Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với nguồn vốn rất lớn, tạo sức ép lên tốc độ giải ngân đầu tư công phải nhanh và quyết liệt hơn so với năm ngoái.
Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn đã và sẽ khởi công, giúp hoạt động xây dựng sôi động hơn. Điều này được kỳ vọng trở thành liều thuốc trợ lực cho thị trường vật liệu xây dựng “sáng cửa” hơn.
Trong khi đó, phát biểu mới đây tại một tọa đàm về ngành xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đề xuất, do điều kiện kinh tế suy giảm, Chính phủ nên có chính sách tháo gỡ kịp thời. Về phía doanh nghiệp nên điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất để tương ứng lực cầu; đồng thời áp dụng giải pháp khoa học công nghệ để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.