Thời gian qua, việc thiếu thông tin, kiến thức xử lý các tình huống phát sinh trong hoạt động xuất khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vướng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một số lô hàng khi xuất khẩu đã không được tiếp nhận tại thị trường nhập khẩu, không được phía đối tác thanh toán tiền, lại càng ít có cơ hội được tái xuất gây ra những thiệt hại rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể dẫn chứng một số vụ việc, như ngày 25/3 vừa qua, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal ban hành quyết định tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu (Mã HS: 09041100). Tuy có hiệu lực vào ngày 6/4/2020, nhưng quyết định của Bộ Công Thương và Vật tư Nepal chỉ cho phép thông quan các lô hàng hồ tiêu nhập khẩu vào Nepal đã được mở tờ khai L/C trước ngày 29/3/2020.
Theo biện pháp mà Chính phủ Nepal áp dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu như của Việt Nam phải có L/C mở trước 29/3/2020, đồng thời muốn tái xuất các lô hàng khỏi Nepal thì điều kiện quan trọng là phải có đơn xin tái xuất của các nhà nhập khẩu Nepal.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hợp đồng của 13 doanh nghiệp của Việt Nam với số lượng lên tới 58 container hồ tiêu xuất khẩu sang Nepal phần lớn đều không mở L/C. Hơn nữa, trong hơn 2 tháng kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục tái xuất.
Điều này khiến cho 13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn. Chỉ đến đầu tháng 7 vừa qua, một vài nhà nhập khẩu Nepal mới đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Tuy nhiên, việc thuyết phục phía Nepal cũng gặp nhiều khó khăn hơn, khi Nepal không có cơ quan đại diện tại Việt Nam và ngược lại (Đại Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm địa bàn Nepal).
Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ đối tác khi đặt quan hệ làm ăn, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tìm đối tác qua internet nhưng chưa có khâu thăm dò, kiểm tra... Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam do mong muốn bán được hàng, nên thường dành cho đối tác lợi thế trong các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản thanh toán (DA - chấp nhận thanh toán và nhận chứng từ).
Từ những vụ việc kể trên có thể thấy, nhiều năm qua doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản đã không ít lần dính vào các vụ lùm xùm, khi giao thương với đối tác nước ngoài bắt nguồn từ việc chưa tìm hiểu kỹ lưỡng quy định của thị trường, đối tác, ham cái lợi trước mắt và quá tin tưởng vào phía đối tác nước ngoài…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đồng thời kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, để tránh những thiệt hại không đáng có các doanh nghiệp dù có "khát" đơn hàng đến đâu cũng cần gia tăng tính cảnh giác, cẩn trọng.
Theo như khuyến cáo của Bộ Công Thương, khi tham gia hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là triển khai các hợp đồng xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á như các thị trường Ấn Độ, Nepal phải có các biện pháp phòng tránh rủi ro.
Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần thiết phải áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro, sẽ rất khó xử lý trong các tình huống phát sinh như vụ việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa qua.