Cầu át cung
Ngày 25-1 HOSE đã tổ chức phiên bán đấu giá 206,8 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Kết quả, toàn bộ số cổ phần được PV Oil mang ra đấu giá được NĐT đặt mua trung bình là 20.196 đồng/cổ phần. Do giá đặt mua cao hơn giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần, nên Nhà nước đã thu về số tiền lên đến 4.177 tỷ đồng (cao hơn 51% so với kế hoạch). Thành công của phiên đấu giá PV Oil đã được dự báo trước, bởi mức giá khởi điểm cho PV Oil khá thấp.
Cơ hội được tham gia vào những doanh nghiệp nắm giữ vị thế quan trọng trong nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và dân số trẻ như Việt Nam là điều các NĐTNN rất khó có thể tìm kiếm được ở quốc gia nào khác trong vài năm tới đây. |
Trước đó, phiên IPO của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng ghi nhận được kết quả ngoài mong đợi. Với mức giá trúng bình quân lên đến 23.043 tỷ đồng, cao hơn 57,8% giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần, tổng số tiền Nhà nước thu về đạt 5.566 tỷ đồng (cao hơn 57% so với dự kiến ban đầu).
Đây là phiên IPO được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng, bởi số lượng BSR mang ra đấu giá lên đến 242 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) của một trong số hiếm hoi doanh nghiệp Việt Nam được định giá lên đến 2 tỷ USD. Chính vì vậy, phiên đấu giá của BSR thu hút và đạt con số kỷ lục 4.079 NĐT, trong đó có đến 73 NĐTNN tham gia với khối lượng đăng ký gần 652 triệu cổ phần (gấp 2,7 lần lượng cổ phần mang ra chào bán).
IPO của BSR ngay từ đầu năm đã thành công mỹ mãn.
Nhiều “bom tấn” sắp trình làng
Chiều ngày 26-1, tại TPHCM, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) đã tổ chức buổi roadshow giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Genco3. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ phương án cổ phần hóa Genco3 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2100/QĐ-TTg ngày 27-12-2107. Theo đó, vốn điều lệ của Genco3 tại thời điểm cổ phần hóa được xác định là 20.089 tỷ đồng, EVN nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Cũng theo quyết định này, trước mắt EVN sẽ tổ chức bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần (chiếm 12,8% vốn điều lệ) vào ngày 9-2 sắp tới tại HOSE, với giá khởi điểm được xác định 24.600 đồng/cổ phần, quy mô của đợt IPO lên đến 6.569 tỷ đồng. Ngay sau khi IPO thành công, EVN sẽ tiếp tục bán 36% cổ phần cho các đối tác chiến lược (dự kiến thực hiện trong tháng 3) để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 51%.
Theo tính toán, để sở hữu 36% vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Genco3, số tiền NĐT cần bỏ ra tối thiểu 18.425 tỷ đồng. Nếu cộng với 12,8% cổ phần được mang ra IPO trước đó, kế hoạch cổ phần hóa của EVN khỏi Genco3 có quy mô lên đến 25.000 tỷ đồng. Dù đợt thoái vốn được đánh giá là khủng nhất ở thời điểm hiện nay, nhưng lãnh đạo Genco3 vẫn tỏ ra tự tin về khả năng thành công.
Theo ông Đinh Quất Lâm, Tổng Giám đốc Genco3, phương án trên có đủ sức hấp dẫn với các NĐT khi ngay từ đầu đã cho phép NĐT chiến lược có thể sở hữu 36%, tỷ lệ có quyền phủ quyết tại doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định không hạn chế NĐT chiến lược tham gia IPO, cũng sẽ khiến cho đợt IPO này thêm hấp dẫn nhờ tỷ lệ sở hữu NĐT chiến lược có thể nắm lên đến gần 49%.
Trước đợt IPO của Genco3, thị trường sẽ đón nhận 2 phiên đấu giá của Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Powwer) ngày 31-1 và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ngày 2-2. Cụ thể, PV Power sẽ IPO chào bán 468 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần, còn VRG chào bán 475 triệu cổ phần (tương đương 11,88% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần. Theo thống kê, tổng quy mô của 2 phiên IPO này đạt xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.
“Phép thử” cho thị trường
“Phép thử” cho thị trường
So với những năm trước đây, kể từ năm 2017, kế hoạch thoái vốn nhà nước đã không còn là những “chỉ đạo hình thức”. Những bước đi trong thời gian gần đây cho thấy rõ chuyển biến mạnh trong vấn đề cơ cấu lại, thoái vốn và đốc thúc thực hiện niêm yết tại các doanh nghiệp nhà nước. Các quy định mới của Chính phủ đã thiết lập một lộ trình nhằm đảm bảo các doanh nghiệp IPO sắp tới, sẽ phải thực hiện việc niêm yết trong vòng 1 năm từ năm 2018.
Đây là thay đổi quan trọng theo hướng tích cực cho việc gia tăng hàng hóa chất lượng trên TTCK Việt Nam. Thống kê cho thấy, chỉ riêng 15 công ty lớn chưa niêm yết đã có kế hoạch IPO, thì giá trị vốn hóa đã có thể đạt xấp xỉ 9 tỷ USD cộng thêm vốn hóa thị trường. Cùng với các đợt IPO lớn, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn.
Trong năm 2018, theo kế hoạch sẽ có hơn 150 công ty nằm trong diện thoái vốn, đây sẽ là năm trọng điểm nhất trong việc thoái vốn giai đoạn 2018-2020. Có thể nói các phiên đấu giá khủng này chính là “phép thử” về khả năng hấp thụ của thị trường trong thời gian tới. Lo ngại này đã phần nào được giải tỏa nếu nhìn vào phiên giao dịch ngày 25-1.
Đây là phiên đấu giá của PV Oil, nhưng cũng là phiên giao dịch kỷ lục trên TTCK với thanh khoản chỉ riêng sàn HOSE đã đạt trên 14.300 tỷ đồng. Từ đây cho thấy, nguồn vốn trên thị trường vẫn còn rất dồi dào. Đặc biệt, kỷ lục mua ròng 1 tỷ USD trên sàn HOSE trong năm 2017 chính là câu trả lời rõ ràng nhất về mức độ quan tâm của NĐTNN với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy vậy, những số liệu thống kê này chưa thể khiến chúng ta an tâm. Theo khuyến cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC), NĐT cũng nên thận trọng với nguồn cung CP lớn bơm ra thị trường trong năm 2018. Đứng từ góc độ quản lý danh mục của các quỹ đầu tư, để sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các thương vụ IPO và thoái vốn nhà nước, thì ngoài việc cố gắng tăng quy mô hoạt động của quỹ ít nhiều họ vẫn phải thực hiện tái cấu trúc danh mục. Hệ quả sẽ có một lượng CP rơi xuống top dưới và không còn thuộc diện ưu tiên như trước trong danh mục đầu tư của các quỹ, bị bán ra và sụt giảm.