Tuy nhiên, nếu người dân quyết tâm hồi hương phải tạo điều kiện thuận lợi để sự dịch chuyển bất đắc dĩ kia được diễn ra an toàn và trật tự.
Có 2 yếu tố đáng bận tâm cho đợt di tản này. Thứ nhất, dòng người hồi hương có khả năng lây nhiễm Covid-19. Thứ hai, gánh nặng kinh tế phát sinh để chu cấp lương thực cho những người không còn sinh kế. Với trở ngại thứ nhất, tiến hành xét nghiệm nhanh cho những người di tản. Cách ly để điều trị các đối tượng dương tính và sắp xếp theo dõi tại nhà các đối tượng âm tính, theo đúng quy định của ngành y tế.
Với trở ngại thứ hai, các tỉnh Đồng Tháp, Đắk Lắk yêu cầu người cách ly tập trung phải tự trả chi phí 120.000 đồng/ngày. Đó là chi phí hợp lý, nhưng hầu hết người di tản đều không còn một xu dính túi. Các tỉnh có thể học tập mô hình của Phú Yên. Suốt 4 tháng qua, Phú Yên đã đưa hơn 20.000 bà con về quê, không bắt ai phải nộp một đồng nào khi cách ly tập trung.
Tiền ở đâu ư? Tiền từ những nhà hảo tâm đóng góp. Chỉ cần chính quyền đứng ra phát động, tình đồng hương sẽ trỗi dậy mạnh mẽ để chăm lo cho nhau.
Không người nào muốn tha hương trong cảnh đói rách, cũng không người nào muốn hồi hương trong cảnh cơ cực. Tai ương Covid-19 khiến một bộ phận người Việt phải ngậm ngùi tìm lại bóng mát quê nhà. Vì vậy, mỗi tỉnh phải mở lòng rộng hơn, dang tay yêu thương những người di tản nhọc nhằn.
Dòng người di tản khỏi khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam những ngày qua không chỉ phơi bày sự chênh vênh những số phận yếu thế giữa xã hội chật vật chống dịch, mà thực sự dấy lên nỗi lo về thiếu hụt nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau thời gian giãn cách kéo dài.
Nếu dòng người di tản vào tháng 7 và tháng 8 phần lớn là lao động tự do và lao động thời vụ ở các lĩnh vực dịch vụ, dòng người di tản bây giờ chủ yếu là công nhân khu công nghiệp và khu chế xuất. Không thể không lo cho những nhà máy và xí nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu… phải chới với trước bài toán nhân lực tương lai gần.
Thế nhưng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay những rào chắn lạnh lùng để ngăn cản dòng người di tản. Bởi lẽ, khi nỗi sợ đói tương đương với nỗi sợ dịch, gánh nặng tâm lý còn khủng khiếp hơn gánh nặng cơm áo. Trước mắt, công nhân phải trở về để tìm kiếm chút hơi ấm quê nhà bình yên, nhằm xoa dịu cuộc đời họ sau bao nhiêu sóng gió bủa vây. Còn khi nào lao động quay lại và cách nào để lao động quay lại, cần có những giải pháp thấu đáo hơn, nhân văn hơn.
Dẫu biết Covid-19 làm tài chính suy kiệt, nhưng thử hỏi trong cao điểm chống dịch có bao nhiêu doanh nghiệp thăm hỏi và quan tâm đến đời sống của công nhân ở các dãy phòng trọ chật chội và buồn tủi?
Nếu doanh nghiệp luôn giữ liên lạc với công nhân, chia sẻ sự túng bấn với họ, cũng như thông tin cho họ về lộ trình khắc phục khó khăn để tái vận hành công ty, chắc chắn không có nhiều công nhân quay lưng trốn chạy hiện thực phũ phàng. Để công nhân tiếp tục gắn bó với mình, doanh nghiệp phải xem công nhân là tài sản hữu ích đích thực, không phải lực lượng làm thuê nhất thời.
Ở góc độ khác, khi công nhân rời khỏi TPHCM và miền Đông Nam bộ, tạm thời các tỉnh miền Trung - Tây nguyên và các tỉnh ĐBSCL phải ứng phó với những hệ lụy phát sinh trong công tác phòng chống dịch. Thế nhưng, khi mọi nhốn nháo đã được ổn định, đây cũng là cơ hội để nhiều địa phương sắp xếp lại nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà.
Đừng nghĩ đó là đội ngũ thất nghiệp, mà đó là những lao động đã được đào tạo về kỹ thuật lẫn kỷ luật để sản xuất theo dây chuyền khoa học. Nếu công nhân vì nhu cầu cá nhân không dịch chuyển ngược lại đô thị, mỗi tỉnh nên tranh thủ chiến lược hấp thụ lao động hiệu quả cho chủ trương “ly nông không ly hương”.