'Thổi phồng' số liệu thống kê du lịch, các địa phương toan tính gì?

(ĐTTCO) - Lãnh đạo một công ty du lịch đặt câu hỏi: “Không hiểu bằng cách nào, các địa phương có thể tổng hợp ngay lập tức tổng lượng khách, tổng doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dịch vụ trong ngày, điều mà trên thế giới chưa nước nào làm được".

Theo thông lệ, cứ sau các dịp lễ lớn hay Tết Dương lịch, Âm lịch vài ngày, các cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê, các sở địa phương như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch… công bố con số khách du lịch nước ngoài và khách du lịch nội địa rất ấn tượng trong các cuộc họp đầu năm, trên báo chí truyền thông.

Chẳng hạn năm 2023 vừa qua, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế; còn trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2024, có được 11 triệu khách du lịch nội địa, và dự phóng sẽ đón được 18-20 triệu lượt khách nữa trong năm 2024 này.

Nhưng giới khoa học và ngay cả các chuyên gia về du lịch, có vẻ như không tin cậy vào những con số thống kê này. Những ngày gần đây, trên báo chí và mạng xã hội râm ran bàn tán chuyện tỉnh này, thành phố kia nói vống số lượng khách du lịch để lấy thành tích, hay chuẩn bị dư luận cho việc xin ngân sách đầu tư dự án du lịch hoành tráng ở chỗ này chỗ kia. Ngay trước tết, trên VTV1 có hẳn một chương trình bình luận về sự vô lý trong các con số thống kê khách du lịch.

Cần phải khẳng định ngay, thống kê xã hội là một việc rất quan trọng. Các cơ quan hoạch định chính sách ra một quyết định, ban hành một đề án, mà không dựa trên số liệu thống kê hay những con số thống kê sai lệch, là điều cực kỳ nguy hiểm.

Số liệu thống kê cho thấy “trạng thái” của chủ thể (toàn thể xã hội, một lĩnh vực hoạt động, một tỉnh thành, một công ty) ở thời điểm T nào đó đang có sức khỏe như thế nào. Trạng thái ấy đang tốt lên hay tệ đi, cân bằng hay nghiêng lệch, để từ đó đưa ra được các định hướng chính sách và giải pháp kỹ thuật hợp lý.

Cách đây ít năm, một tỉnh trung du phía Bắc qua mùa lễ hội thông báo có được hơn 6 triệu người tham dự, thông tin này khiến cho giới kinh doanh bất động sản sôi lên sùng sục, nhảy vào xây dựng hàng chục khách sạn, nhà hàng, kéo theo đó là chính quyền tỉnh, huyện, các tổ chức xã hội và người dân quanh di tích cũng đua nhau xây khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ nhiều như “nấm sau mưa”, hy vọng sẽ làm ăn lớn những năm sau.

Nhưng rất tiếc, cơ quan thống kê của tỉnh không biết, hay không cho biết một điều quan trọng là số người lưu trú trong những ngày lễ hội cực kỳ thấp. Bởi đa phần người dân đến lễ hội rồi dời đi trong ngày, những người ở xa sau khi viếng đình miếu thì về Hà Nội để hưởng không khí thủ đô, thế là kế hoạch “đại nhảy vọt” thất bại thảm hại.

Vậy công tác thống kê du lịch của chúng ta có điều gì chưa ổn chăng? Thứ nhất, tốc độ thống kê quá nhanh. Các nước thường con số thống kê xã hội được tổng hợp sau 3, 6 tháng, ít khi có con số thống kê theo ngày và tuần như ở Việt Nam. Một thí dụ điển hình cho thấy sự “lướt sóng” này.

Lễ hội 30-4 và 1-5 năm 2023 kết thúc, chỉ sau vẻn vẹn có 2 ngày, thì sáng ngày 4-5 báo chí đồng loạt đưa tin: “Tổng cục Du lịch cho biết trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cả nước ước tính đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, gồm khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40%), hơn 300.000 khách quốc tế. Tổng thu ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9%). Công suất phòng trung bình 60%, một số nơi 100%”.

Trong đó Thanh Hóa là địa phương có lượng khách cao nhất, khoảng 1.195.000 lượt khách (tăng 33,1%); tổng thu khoảng 2.865 tỷ đồng (tăng 48,3%). Cần Thơ đón 982.000 lượt khách (khoảng 1.800 lượt khách quốc tế), tổng thu ước đạt 523 tỷ đồng. Riêng Phú Thọ đột biến, đón 5,4 triệu lượt khách (chiếm 74% cả nước).

Còn TPHCM đón 950.000 lượt khách (tăng 126,2%); khoảng 48.000 lượt khách quốc tế; tổng thu ước đạt 3.130 tỷ đồng (tăng 94%). Hà Nội đón 719.000 lượt khách (69.500 lượt khách quốc tế); tổng thu đạt 2.400 tỷ đồng. Kiên Giang, chủ yếu Phú Quốc đón khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4%), công suất phòng 54%; tổng thu đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3%).

Thật đáng kinh ngạc, làm sao chỉ sau có 2 ngày, kể cả huy động toàn bộ nhân viên cục thống kê các cấp làm việc 24/24 giờ, để tiến hành thống kê được số liệu với tốc độ siêu thanh như thế ở 64 tỉnh thành, chưa kể việc thống kê khách du lịch có độ biến động và di chuyển nhanh là chuyện cực khó, nếu như không nói là không thể được.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt phải kêu lên: “Không hiểu bằng cách nào, các địa phương có thể tổng hợp ngay lập tức tổng lượng khách, tổng doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dịch vụ trong ngày, điều mà trên thế giới chưa nước nào làm được?".

dad2-3977jpg-8522.jpg

Thứ hai, phương pháp thống kê không khoa học. Vậy cách thống kê hiện nay làm như thế nào? Đó là các tỉnh, thành báo cáo nhanh lên cơ quan chức năng cấp trung ương sau một ngày làm việc. Các tỉnh, thành tổng hợp bằng cách thu thập thông tin từ các báo cáo của khách sạn, resort, nhà nghỉ, từ các điểm du lịch, khách đến theo tour hay cá nhân.

Từ các con số thống kê đó tập hợp lại con số thống kê của cả nước. Cách thống kê này sẽ dẫn đến chuyện có những người khách nước ngoài được đếm đầu rất nhiều lần, bởi anh ta đến TPHCM vài ngày rồi xuống miền Tây, ra Đà Nẵng, đến Hà Nội, sau đó là Sơn La…

Chuyện này giống như chỉ có một nhà tình nghĩa mà hiện diện trong báo cáo thành tích của 5 tổ chức như hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội chất độc da cam trong huyện.

Đã đến lúc Việt Nam, ngành du lịch cần chuyên nghiệp hóa và cải tiến phương pháp, kỹ thuật thống kê sao cho gần đúng với con số thực. Trước mắt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nên thống nhất quan điểm trong cả nước một biểu mẫu thống kê với các tiêu chí rất rõ ràng, nếu theo cung cách tập hợp từ dưới lên trên như hiện nay, không để mỗi địa phương báo cáo mỗi kiểu khiến cho con số bị nhảy múa duy ý chí.

Sau nữa là không nên đưa khách thập phương đến chơi lễ hội như chùa Hương, Bái Đính, Bà Đen vào thống kê du khách du lịch vì họ đi về trong ngày, mức chi tiêu rất thấp, bởi cách tính gộp này nghe qua thì nhiều nhưng hiệu quả rất thấp. Như Đồng Tháp đón 3,9 triệu lượt khách, doanh thu 1.050 tỷ đồng; tính ra bình quân đầu người là 269.000 đồng (nguồn dulich.dongthap.gov.vn 23-1-2020)… mà nên thống kê khách lưu trú qua đêm trong những ngày lễ hội.

Với khách nước ngoài, chỉ cần thu thập số liệu qua các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ là đủ, bởi người nước ngoài muốn vào Việt Nam thì phải làm thủ tục nhập cảnh mà không cần phải thống kê lặp lại qua báo cáo các tỉnh thành, dù rằng phương pháp này vẫn có lỗi là không phân biệt được khách du lịch và khách đến làm việc, người du lịch ngắn hạn và người cư trú lâu dài làm ăn tại Việt Nam.

Thêm vào nữa, nên thống kê đầu người hơn là số lượt, bởi tính lượt đi đến sẽ có rất nhiều người được tính dăm lần khi anh ta ra khỏi TPHCM đến Campuchia rồi quay lại.

Điều cuối cùng là phương pháp thống kê hiện đại mà nhiều nước đang sử sụng hiện nay, đó là không sử dụng cách thức đếm đầu (trong xã hội học cổ điển gọi là đếm đầu cừu) hay thống kê tổng hợp bằng giấy từ các nguồn rời rạc, mà họ thống kê qua Big data với mã định danh cá nhân.

Chính bằng cách này mà bất cứ khách du lịch nào khi đến Singapore, bước qua sân bay Changi hay cửa khẩu biên giới đường bộ Woodlands, sẽ biết bạn ở đâu, đi đâu và rời đi khi nào.

Việt Nam đang hướng đến con số 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2024 và 25 triệu khách vào năm 2030. Để nhận định đúng thực trạng và hoạch định đúng các kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đào tạo nhân lực, ưu tiên hướng phát triển và ưu tiên đầu tư tập trung cho các vùng miền, các lĩnh vực, thì nhất thiết phải thay đổi hệ thống thống kê sao cho khoa học hơn, chuẩn xác hơn nếu không sẽ rơi vào Utopia (ảo tưởng).

Các tin khác