Sự phục hồi nhanh và khá toàn diện thể hiện trên tất cả các mặt: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD, tăng trên 10%; Thu ngân sách vượt dự toán 22%. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu cả nước…
Trong buổi làm việc với TPHCM ngày 27-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tốc độ phục hồi, phát triển của thành phố và khẳng định, TPHCM đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Mặc dù kinh tế phục hồi và tốc độ phát triển tăng nhanh trở lại nhưng nhịp độ phát triển của TPHCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện. TPHCM đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nghiêm túc nhìn nhận, nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo nhưng kết quả vẫn đạt thấp như giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội… còn nhiều vướng mắc. Nhiều vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất… đang đối diện với không ít khó khăn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có kết quả rõ nét, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân sau đại dịch nhưng có mặt còn hạn chế. Công tác xây dựng chính quyền đô thị, chất lượng hoạt động dịch vụ công chưa cao, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, cơ quan nhà nước. Sự vận hành của bộ máy, hệ thống chính trị, có lúc, có nơi, có lĩnh vực còn chậm trễ, thậm chí trì trệ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thành phố.
Thực tiễn đang đòi hỏi những điểm nghẽn của TPHCM cần được tháo gỡ nhanh trong bối cảnh có nhiều sức ép cả bên ngoài và bên trong. Điều này đòi hỏi TPHCM tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực như đã từng “xé rào”, “bung ra”, tạo dấu ấn trong thời kỳ khó khăn - “đêm trước của đổi mới”. Với quyết tâm chính trị cao, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, sẽ sẵn sàng đề nghị Trung ương cho phép TPHCM thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù và hy vọng sẽ được Quốc hội nghiên cứu cho chủ trương vào thời gian tới.
Cơ sở chính trị quan trọng, tạo lực đẩy lớn về cơ chế cho TPHCM đó là Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 TPHCM sẽ là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Bộ Chính trị thống nhất cho TPHCM tiếp tục thí điểm chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển. Và để biến chủ trương thành hành động, Nghị quyết của Bộ Chính trị cần được thể chế hóa, trong đó cần tạo sự chủ động nhiều hơn nữa cho TPHCM trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng, rành mạch, khắc phục cơ chế xin - cho cùng với những vướng mắc chung do tình trạng chồng chéo, xung đột pháp lý.
Các ưu tiên của chính sách đối với TPHCM nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy các yếu tố đổi mới sáng tạo cho tất cả các ngành kinh tế, hướng đến phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh…, tạo động lực tăng trưởng.
Năm 2023, TPHCM đặt chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP là 7,5%-8%, chỉ tiêu thu ngân sách được giao là 469.000 tỷ đồng, tăng gần 80.000 tỷ đồng… đòi hỏi phải có nỗ lực lớn mới có thể hoàn thành. Vấn đề không chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng con số mà là gắn với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng các giải pháp khả thi về tài chính để đầu tư hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, các đường vành đai nhằm tạo sự kết nối thông thoáng…
Để thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, các cấp ủy, người đứng đầu cần sâu sát, khơi gợi, lắng nghe đề xuất, hiến kế từ cơ sở. Ngành kiểm tra, thanh tra cần chú ý kiểm tra, thanh tra diện rộng, phát hiện những vướng mắc, xung đột pháp luật và những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, đề xuất chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Các bộ, ngành Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ cùng TPHCM xử lý có hiệu quả những vấn đề tồn tại và những vấn đề mới phát sinh để giúp TPHCM vươn lên đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới, trong đó có xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước.
Trong quá trình phát triển, TPHCM đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực lãnh đạo, quản lý gắn với bố trí đúng người, đúng việc. Tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng sâu rộng, thực chất, gắn với chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ, tạo sự lan tỏa trong đời sống văn hóa xã hội và thấm sâu hơn nữa vào con người TPHCM.
Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn vì cả nước, cùng cả nước, luôn sáng tạo, đi tiên phong tháo gỡ khó khăn, tìm tòi cách thức mới, không bảo thủ, rập khuôn, máy móc, không chấp nhận trì trệ. Đó là truyền thống tốt đẹp, đầy tự hào, là sức sống của thành phố Anh hùng - thành phố mang tên Bác. Truyền thống ấy nhất định sẽ được phát huy trong giai đoạn phát triển mới.
Với tất cả kỳ vọng, Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về TPHCM, cùng với những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo nên những hiệu ứng mới, thôi thúc khát vọng đưa TPHCM phát triển mạnh mẽ, xứng tầm.