Bằng kỹ năng quản lý quỹ đầu tư thượng thừa, ông đã đưa Farallon Capital Management từ số vốn 3 triệu USD ban đầu trở thành công ty quản lý quỹ có tổng tài sản lên đến 22 tỷ USD sau 20 năm.
Những bài học đầu tiên
Dù theo học chuyên ngành khoa học chính trị, nhưng sự nghiệp của Thomas Steyer lại chuyển hướng sang lĩnh vực tài chính. Sau khi tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng tại Mỹ là Yale và Stanford cùng 2 năm hoạt động tại ngân hàng Morgan Stanley, Thomas Steyer gia nhập ngân hàng đầu tư đa quốc gia nổi tiếng Goldman Sachs. Khi gia nhập Goldman Sachs vào những 1980, Thomas Steyer được làm việc dưới quyền Robert Rubin, người vào thời điểm đó đang được cân nhắc để trở thành Bộ trưởng Ngân khố mới của chính phủ Mỹ.
Robert Rubin giới thiệu Thomas Steyer tham gia nhóm vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống, ứng cử viên Walter Mondale trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1983. Tuy nhiên, sau khi vận động gây quỹ thành công cho ông Walter Mondale tại thành phố Seattle, bang Washington, toàn bộ số tiền đã bị thu hồi và ông không được tham dự vào các hoạt động chính trị mà không có bất cứ lý do cụ thể nào.
Đến năm 1986, Thomas Steyer quyết định rời Goldman Sachs thành lập công ty quản lý quỹ phòng hộ Farallon Capital Management. Chiến lược Farallon hướng đến là đầu tư giá trị, đầu tư cổ phiếu, đầu tư song hành mạo hiểm, đầu tư bất động sản và đầu tư trực tiếp vào các thị trường phát triển cũng như những thị trường mới nổi.
Ngay khi vừa thành lập, Thomas Steyer đã phải đối mặt với khó khăn đầu tiên. Farallon vào thời điểm đó sở hữu lượng cổ phiếu rất lớn của Công ty Allegis Corp. Nhưng sự kiện Ngày thứ hai đen tối năm 1987 - ngày hoang mang cực độ của ngành tài chính Mỹ khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm đến 22,5%, mức giảm kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán - Thomas Steyer khi đó chỉ mới 30 tuổi đã thất kinh khi thấy giá cổ phiếu của Allegis Corporation lao dốc thẳng đứng từ 93,88USD xuống còn 66USD, mất đến 30% trong khối tài sản 15 triệu USD.
Sự kiện ngày Thứ hai đen tối đã giúp ông nhận ra nhiều bài học hơn về thị trường chứng khoán và đặt ra các quy tắc đầu tư cho riêng mình. Ông yêu cầu các nhân viên thu hẹp các lĩnh vực đầu tư, đặt ra quy tắc không được đầu tư vượt quá 10% vào các công ty. Bên cạnh đó, Thomas Steyer tập trung xây dựng hướng đi mới: đầu tư mạo hiểm. Thomas Steyer đã định hướng Farallon tập trung tìm kiếm những công ty đang trên bờ vực phá sản, đánh giá khả năng phục hồi hoặc khả năng sẽ được các công ty khác mua lại, đầu tư và kỳ vọng thu lại lợi nhuận.
Chiến dịch săn lùng
Chiến dịch săn lùng
Thương vụ ngân hàng Drexel Burnham Lambert là một trong những hoạt động đầu tư mạo hiểm thành công. Năm 1990, Drexel Burnham Lambert bị buộc phải ngưng hoạt động vì những sai phạm trong việc đầu tư vào trái phiếu rủi ro (junk bonds), Thomas Steyer quyết định đầu tư 20% vào ngân hàng đang trên bờ vực phá sản. 3 năm sau, Drexler Burnham Lambert đã vượt thoát thành công, từ 20% vốn đầu tư Farallon đã thu về lợi nhuận đến 34,8%.
Thomas Steyer cũng thành công với nhiều thương vụ tương tự. Năm 1997, tại châu Á xảy ra đợt khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính của một số quốc gia Đông Nam Á và Đông Á. Nhiều ngân hàng tại Indonesia đang đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi đánh giá kỹ và thận trọng, Thomas Steyer đã mời Raymond Zage, một đồng nghiệp cũ của ông tại Goldman Sachs và Robert Rubin, cấp trên lừng danh của ông vào thời điểm đó đang hoạt động tại IMF, tham gia cùng ông thành lập công ty quản lý quỹ Farallon Capital Asia đặt tại Singapore để tham gia đầu tư vào các ngân hàng đang “hấp hối” tại Indonesia.
Cả 3 lên kế hoạch tham gia đầu tư vào Ngân hàng PT Bank Central Asia Tbk (BBCA) đang bên bờ vực phá sản, khi phải bán 92,8% cổ phần cho Chính phủ Indonesia để đổi lấy hỗ trợ thanh khoản và hoán đổi các khoản vay từ trái phiếu chính phủ. Đến năm 2000, để mở đường cho Farallon tiến hành đầu tư vào BBCA, IMF đã yêu cầu Chính phủ Indonesia đấu giá lại ngân hàng, đổi lại họ sẽ nhận được khoản vay đến 400 triệu USD để giải quyết các vấn đề kinh tế. Ngay khi vừa chào bán BBCA, không chỉ Farallon của Thomas Steyer mà còn có hàng loạt những ngân hàng lớn khác cùng nhảy vào, trong đó có Ngân hàng Standard Chartered của Anh.
Standard Chartered khởi đầu với việc định giá 1.800 rupiah (tương đương 0,13USD)/cổ phiếu BBCA. Trong khi đó, Farallon đưa ra mức giá thấp hơn với 1.775 rupiah (tương đương 0,12USD). Khi thương vụ đấu giá gần đến hồi kết, Farallon đứng trước nguy cơ đánh mất BBCA vào tay Standard Chartered, Thomas Steyer đã đứng ra thực hiện vụ kiện Cơ quan Tái cấu trúc ngân hàng có những biểu hiện ưu đãi đối Standard Chartered.
Farallon đã cáo buộc Cơ quan Tái cấu trúc Ngân hàng đã cho phép đối thủ của họ là Standard Chartered sửa đổi các điều lệ để nâng giá bán cổ phiếu vốn dĩ thấp hơn so với mức giá 1.775 rupiah mà Farallon đã đưa ra. Standard Chartered cũng đã chấp thuận lời cáo buộc của Farallon. Kết quả BBCA đã lựa chọn Farallon trở thành nhà đầu tư của mình. Chiến thắng Standard Chartered, Farallon thành lập công ty đầu tư FarIndo để thực hiện thương vụ đầu tư lên đến 531 triệu USD vào năm 2002.
Suốt khoảng thời gian đầu tư vào BBCA, FarIndo đã thu lại lợi nhuận ở mức cực kỳ cao. Đến năm 2009, cổ phiếu của FarIndo tại BBCA đã lên đến 3.425 rupiah (tương đương 0,33USD)/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi giá trị so với giá trị ban đầu, mang về cho FarIndo giá trị lên đến 1 tỷ USD.
Ngoài đầu tư hoàn vốn, Thomas Steyer còn theo đuổi phong cách đầu tư độc đáo đó là giao dịch song hành mạo hiểm (Merger Arbitrage). Các nhà đầu tư song hành mạo hiểm, thường là các công ty quản lý quỹ phòng hộ sẽ “săn lùng” những doanh nghiệp đang có kế hoạch sáp nhập để thực hiện đầu tư cổ phiếu cùng lúc ở cả 2 doanh nghiệp. Một trong những thương vụ giao dịch song hành mạo hiểm mà Thomas Steyer từng thực hiện, đó là ông đã mua song hành cổ phiếu của 2 công ty El Paso và Kinder Morgan trong thương vụ sáp nhập lên đến 21 tỷ USD vào năm 2011.
Sau 27 năm dẫn dắt quỹ đầu tư Farallon Capital Management, Thomas Steyer đã tích lũy cho công ty đã lên đến 22 tỷ USD vào thời điểm ông nghỉ năm 2012. Riêng ông, sau nhiều thăng trầm, thành công cũng như thất bại trong sự nghiệp đã sở hữu khối tài sản gần 2 tỷ USD. |