Cởi trói cho bên mua
Từ ngày thành lập TTCK Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong quy định về giao dịch. Trước đây, dù phải thanh toán đủ chi phí ngay khi thực hiện mua cổ phiếu (CP), nhưng bên mua phải nắm giữ CP đến ngày T3 mới có thể giao dịch ở chiều bán ra.
Sau đó, quy định đã thay đổi và cho đến nay T3 đã được điều chỉnh giảm còn T2, hỗ trợ tăng thanh khoản và vòng quay vốn cho thị trường. Từ ngày 15-2, Thông tư 120 cho phép giao dịch ở chiều bán ra ngay trong ngày vừa mới mua vào.
Quy định mới này là sự chờ đợi đã từ lâu của thị trường, cởi trói cho phía bên mua, bởi một quyết định mua vào CP đôi khi phải chịu tổn thất rất lớn trong khoảng thời gian chờ CP “về tài khoản”, mà xảy ra sự bất ổn đột ngột của thị trường chung, hay thay đổi đột ngột của chính nội tại CP đó.
Dù thị trường có quy định giá trần và sàn, nhưng khi có biến cố đột ngột, với quy định T2 như hiện nay nhà đầu tư sau khi mua vào cho đến lúc có thể bán ra, có thể mất hơn 20% nếu giao dịch sàn HOSE và hơn 30% ở sàn HNX.
Trước mắt theo Thông tư 120, nhà đầu tư cần ký hợp đồng mở tài khoản, hoặc tiểu khoản để quản lý và hạch toán giao dịch trong ngày riêng. Mã chứng khoán nào được giao dịch T0 do quyền chọn của công ty chứng khoán (CTCK) nhà đầu tư đang sử dụng dịch vụ.
Bởi bên cạnh việc nhà đầu tư phải đủ tiền để thanh toán như thường lệ, CTCK còn phải đảm bảo đủ chứng khoán để chuyển giao trong ngày thanh toán. Việc mua bán T0 vì vậy cũng phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của CTCK nhà đầu tư đang sử dụng.
Ngoài sự quản lý và năng lực trực tiếp của CTCK, việc mua bán T0 sẽ không thể thực hiện trong 5 ngày làm việc trước ngày giao dịch cuối cùng thực hiện quyền cổ đông; hoặc khi UBCKNN yêu cầu ngừng giao dịch T0 trong bối cảnh cần ổn định thị trường chung.
Chấm dứt giao dịch thụ động một chiều
Chấm dứt giao dịch thụ động một chiều
TTCK ngay sau Tết Nguyên đán, cả phía cung và cầu sẽ có nhiều thay đổi. Đây là bước ngoặt chưa từng có tiền lệ ở thị trường cơ sở, là tiền đề quan trọng cho mục tiêu nâng hạng TTCK của Chính phủ. |
Như vậy, không phải mã CP nào cũng được phép giao dịch bán khống, một hình thức giao dịch người bán không cần thiết phải thực hiện mua vào CP trước đó, không cần thiết đang nắm giữ CP đó tại thời điểm giao dịch, vẫn có thể tham gia chiều bán ra.
Có nghĩa, cung cầu thị trường được cởi trói cho cả bên mua khi họ có thể bán ra ngay khi đánh giá CP không còn hấp dẫn, và cả bên bán khi họ cũng có thể nhảy tăng sức cung bất cứ lúc nào. Chấm dứt thời kỳ giao dịch thụ động chỉ có một chiều, vốn nhiều bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cung cầu đổi mới
Cung cầu đổi mới
Nếu nhìn vào độ cao của VN Index hiện nay đang dao động trên ngưỡng 1.000-1.200 điểm, niềm vui T0 có vẻ nhỏ hơn so với sự xuất hiện của phe bán khống. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, phe bán khống chính là lực lượng sẽ tăng lực cầu khi họ đóng vị thế để chốt lời hoặc cắt lỗ.
Từ đó, những điểm hỗ trợ mạnh của CP sẽ gia tăng lực cầu, và nhìn về trung, dài hạn tạo cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững. Có thể nói, bán khống sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những CP có nội tại cơ bản tốt, có xu hướng tăng trưởng trong dài hạn. Thiếu hoạt động bán khống, thị trường rất khó khăn tăng trưởng trong dài hạn, thông thường cứ tăng lên rồi giảm xuống.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Một lợi ích rất rõ khác giao dịch T0 và bán khống mang lại, là gia tăng thanh khoản cho thị trường. Mặc dù gần đây hệ thống giao dịch thường xuyên không đáp ứng khi thanh khoản đạt trên 16.000 tỷ đồng. Sự gia tăng tiếp tục này có thể là thử thách mới khi hệ thống giao dịch tiên tiến hơn đến cuối năm 2021 mới có thể được đưa vào sử dụng.
Song giao dịch bán khống bên cạnh những lợi ích cho CP cơ bản tốt trong dài hạn, lại là mối đe dọa cho những CP tăng trưởng nóng, đặc biệt là nóng hơn so với sức tăng của yếu tố cơ bản, và kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn hạn. Bởi phe “short sell” luôn săn tìm những “miếng mồi” ấy.
Bán khống thực sự hữu ích trong việc giữ dòng tiền ở lại với thị trường. Có những thời điểm thị trường tăng áp sát 1.200 điểm, rất khó để tìm ra vài CP tốt với mức giá phù hợp để mở vị thế.
Vì thế, dòng tiền kinh nghiệm thường từ chối những phần lợi nhuận nóng, đi ra khỏi thị trường chờ quá trình điều chỉnh cầm tiền mặt và chờ đợi một thời điểm khác. Nguyên nhân cũng là vì chỉ tham gia được chiều mua, trong khi bị động ở chiều bán do quy định T2 và bán khống. Điều đó thường gây ra hiện tượng thanh khoản giảm khi giá tăng cao.
Mặc dù chưa được giao dịch bán khống kiểu “Naked short selling - bán khống không cần đảm bảo” như những thị trường phát triển, bán khống có đảm bảo hỗ trợ không những cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà cả khối tạo lập thị trường, đặc biệt hỗ trợ cho những CTCK, khối tự doanh gia tăng dịch vụ để phát triển lợi nhuận.
Bên cạnh đó, bán khống cũng là dịch vụ tài chính nhiều thử thách cho cả khối quản trị rủi ro trong các CTCK. Bởi biên độ lỗ của hoạt động bán khống là vô biên, một CP khi giảm tối đa chỉ có thể giảm giá về zero, hoặc hủy niêm yết. Trong khi ở chiều tăng, đơn cử như CP Apple, Tesla… chiều lỗ cho phe bán khống dường như vô biên.