Thông tư 39 có đi ngược xu thế phát triển?

(ĐTTCO) - Sau những bài báo đăng trên ĐTTC phân tích những bất cập trong Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT). Cuối tuần qua, vấn đề này được đưa ra lấy ý kiến với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong 29 đơn vị hoạt động ở lĩnh vực TGTT (fintech), cho thấy mức độ quan tâm đến hành lang pháp lý cho hoạt động này. 

Những ràng buộc về mặt hạn mức với dịch vụ ví điện tử (VĐT) là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là mức độ mở của dịch vụ này.

Dựng rào cản doanh nghiệp phát triển 
Theo dự thảo, tổng hạn mức giao dịch của VĐT cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ VĐT này sang VĐT khác và giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; tổng hạn mức của tổ chức tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Nhận xét về quy định này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn 5 ngày trong 1 tháng (tức vượt 100 triệu đồng), nên cân nhắc mức tối đa 1 tháng lớn hơn. Theo đó, cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng để đặt ra hạn mức, không kìm hãm thanh toán điện tử.
Thông tư 39 có đi ngược xu thế phát triển? ảnh 1
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cũng băn khoăn về sự tương thích của dự thảo với chủ trương của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, giảm rào cản để khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
Về quan điểm của ban soạn thảo cho rằng VĐT chỉ được dùng cho giao dịch nhỏ, ông Tuấn cho rằng hiện chưa có quy định về vấn đề này, việc đặt điều kiện kinh doanh mới thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hiện Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN cần cân nhắc thời điểm ban hành thông tư cho hợp lý.
Theo ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, dự thảo thông tư gần như là giấy phép con với 29 doanh nghiệp fintech. Về bản chất VĐT là tài sản của người dùng, nên họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Với hạn chế về hạn mức, khi ngân hàng mở dịch vụ VĐT, các doanh nghiệp fintech gần như không có cơ hội cạnh tranh. 
Còn ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo, đề xuất với cá nhân thay vì giới hạn mức 100 triệu đồng/tháng, nên tăng lên mức 200 triệu đồng để chuẩn bị cho tương lai vì “thị trường đang phát triển rất nhanh, chúng ta chưa thể hình dung thời gian tới thế nào”. Về hạn mức với doanh nghiệp, không nên áp dụng, vì đó là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp để mở rộng, phục vụ nhu cầu khách hàng hướng tới phát triển của thị trường lĩnh vực này.
Đánh giá về tác động của quy định mới, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT), cho biết dù TMĐT có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, song thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo. NHNN có thể vẫn quy định ngưỡng 100 triệu đồng nhưng nếu cá nhân có nhu cầu hơn, cho mở hạn mức tăng thêm và có thể giám sát, điều chỉnh nếu không lành mạnh. Quy định này vừa đảm bảo quyền tự do của người dân cũng như tuân thủ quy định của NHNN. 
Theo CTCP 1PAY, việc giới hạn hạn mức giao dịch đối với khách hàng không khả thi vì có những hàng hóa, dịch vụ hợp pháp như: hóa đơn thanh toán vé máy bay hoặc hóa đơn tiền điện của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc mua sắm hàng hóa là các sản phẩm công nghệ như: laptop, máy tính bảng, điện thoại thường lớn hơn rất nhiều so với hạn mức được cho phép 1 lần giao dịch.
Mặt khác, quy định hạn mức đối với các giao dịch này là gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT với các tổ chức khác cùng cung ứng dịch vụ thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khác.
Có thể bỏ hạn mức 20 triệu đồng/ngày
Phản hồi những thắc mắc này, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết việc đưa ra hạn mức nhằm tránh những trường hợp mua bán kinh doanh, sau đó sử dụng VĐT để che giấu mục đích khác, như không khai báo thuế rồi rút tiền từ VĐT.
Theo thống kê của NHNN, số dư bình quân cá nhân ở VĐT không nhiều, nên các đơn vị TGTT không nên quá lo lắng mốc 100 triệu đồng. Quy mô thị trường bé và số lượng giao dịch còn nhỏ, vì bình quân gần 60.000 đồng/lượt giao dịch và 1 tháng khoảng 1,7 triệu đồng.
Do vậy, để đạt tối đa hạn mức 100 triệu đồng/tháng tăng trưởng phải khoảng 50 lần hiện nay. Khi đó, thị trường đã rất phát triển và có thể con số giới hạn sẽ không còn ở mức 100 triệu đồng. Vì thế, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu bỏ hạn mức 20 triệu đồng/ngày với cá nhân, song hạn mức 100 triệu đồng vẫn giữ “bởi chưa dùng hết được”. Về quyền của người sử dụng, không phải ai có vài trăm triệu đồng ở tài khoản ngân hàng là chuyển số tiền đó sang VĐT.
Về băn khoăn quy định khách hàng phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng VĐT làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, hay kiến nghị việc nạp tiền vào VĐT không qua tài khoản ngân hàng, ông Dũng nhấn mạnh, tổ chức TGTT chỉ là đơn vị đứng giữa, cung ứng dịch vụ thanh toán ngân hàng và khách hàng, nên thông tư hướng dẫn phải dựa trên nguyên tắc VĐT phải có liên kết với tiền gửi ngân hàng, bắt buộc khách hàng phải có tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, khi khách hàng mở tài khoản, ngân hàng đã kiểm tra thông tin đầy đủ, chặt chẽ. Nếu không quy định việc liên kết, tổ chức TGTT sẽ phải mở đại lý thu tiền của khách hàng. Điều này sẽ mang đến rủi ro, vì trên thực tế đã có đại lý vé máy bay thu tiền khách hàng nhưng không nộp.

Thêm thủ tục, gây phiền hà 
Về quy định liên quan đến cơ chế xác thực người dùng, theo ban soạn thảo, đây là vấn đề cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị NHNN cân nhắc yêu cầu người dùng VĐT phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví, vì có thể sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng và thuê bao điện thoại. 
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam, hiện nay chi phí bình quân ngân hàng để thu thập thông tin cho 1 tài khoản ngân hàng 300.000 đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian.
Do đó, việc NHNN buộc doanh nghiệp TGTT phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp TGTT có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng cho rằng, trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ ví và tổ chức mở tài khoản cho khách hàng là 2 tổ chức khác nhau, sẽ phát sinh yêu cầu khách hàng phải thực hiện thủ tục cung cấp định danh nhiều lần trước khi hoàn tất việc mở ví. Điều này sẽ dẫn tới những thủ tục chồng chéo, gây phiền hà cho khách hàng.
Do đó, Techcombank đề xuất việc mở ví và nhận diện khách hàng mở ví có thể được rút gọn theo hướng: VĐT khi mở phải có xác thực danh tính bởi khách hàng mở ví thông qua thông tin định danh (có thể là mật khẩu, hoặc các hình thức xác thực tương tự khác), được ngân hàng mở tài khoản cấp cho việc sử dụng thẻ và ebanking.
Đồng thời, hồ sơ mở ví của khách hàng sẽ được ngân hàng mở tài khoản hỗ trợ chuyển giao cho tổ chức TGTT trên cơ sở thỏa thuận giữa khách hàng mở ví, tổ chức TGTT và ngân hàng hỗ trợ.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng CIEM:

Mở nhưng ràng buộc trách nhiệm pháp lý

Theo Nghị quyết 02, trước quý III -2019, NHNN có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào VĐT không qua tài khoản thanh toán NH; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp VĐT và giá trị giao dịch hàng tháng. Quy định này ban hành nhằm phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.
Do vậy, nếu với lý do cho rằng không nạp tiền qua NH nên các TGTT phát triển đại lý thu tiền và tạo ra những rủi ro là chưa hoàn toàn đúng. Bởi điều quan trọng là chúng ta phải quy định, ràng buộc trách nhiệm pháp lý với các TGTT, chứ không thể ngăn cản được vì cả thế giới đã làm thế.
Tại sao các nước cũng lo ngại không kiểm soát được nhưng vẫn mở cửa? Tốt nhất là quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ, và nếu có vấn đề gì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, khách hàng và bồi thường khi có rủi ro. Thực tế, nếu không có quy định chúng ta đã đẩy hoàn toàn rủi ro về khách hàng.
Nếu cho rằng chúng ta chưa biết được rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai, thì nên quy định hạn mức sử dụng ở mức hợp lý. Trước mắt có thể làm thí điểm, nếu an toàn xây dựng khung pháp lý để mở ra dần dần, các nước cũng làm như vậy.

Các tin khác