Nơi “hội tụ tinh hoa”
Có thể nói hiện nay, TP Thủ Đức là nơi hội tụ lực lượng lao động có trình độ cao cũng như những người trẻ cư trú học tập tại đây vào loại đông nhất TPHCM. Theo thống kê trên địa bàn hiện có hơn 20 viện trường đại học, cao đẳng… với tổng số 150.000 sinh viên và hơn 3.000 giảng viên trình độ tiến sĩ.
Với tổng diện tích hơn 21.000 ha, dân số 1,17 triệu người - đây là một khu đô thị có quy mô sản xuất công nghệ cao lớn nhất cả nước, có mật độ đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ tương đối cao vào loại lớn nhất cả nước, có hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không rất thuận tiện (sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành).
Đặc biệt Khu công nghệ cao (Quận 9 cũ) với hơn 140 dự án có tổng đầu tư hơn 7 tỉ USD, hơn 30.000 lao động và xuất khẩu hơn 13 tỉ USD quy tụ hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn cao. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có quy hoạch xây dựng trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam; khu công nghiệp Cát Lái 2...
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức với vị trí giao thông đặc biệt thuận lợi sẽ giúp TPHCM kết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, hình thành vùng kinh tế 4.0 ở phía Nam của đất nước.
Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay năng suất lao động của khu công nghệ cao TPHCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần của TPHCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM thì với dân số và lực lượng lao động của TP Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động của TPHCM, giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TPHCM là 30% tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.
Sự lựa chọn an cư của giới trẻ
Từ khi TP Thủ Đức được thành lập, rất nhiều người đã tìm đến khu vực này tìm kiếm “chốn an cư” để thử thách với chính mình trong một đô thị non trẻ đẩy năng động và đón đầu sự phát triển trong tương lai. Anh Nguyễn An Bình, một giảng viên trẻ trường Đại học Văn hóa TPHCM (cơ sở 2, đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A) đang cư ngụ tại một chung cư tại khu đô thị Cát Lái (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) chia sẻ, hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc anh di chuyển bằng ô tô mất chừng 30 phút.
“Vợ chồng tôi thích sống ở nơi này vì gần sông nên khá mát. Hơn nữa khu vực này quy hoạch, đầu tư khá quy củ nên mọi thứ rất ngăn nắp, an ninh. Chúng tôi cảm thấy thỏa mái sau giờ làm việc khi trở về nhà với không gian sống như vậy”- Anh Bình chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên nhiều bạn trẻ có việc làm ổn định cho biết, xu hướng của giới trẻ họ có thể ra xa trung tâm nội thành một chút nhưng nơi đó phải là những đô thị được đầu tư bài bản, hướng đến một cuộc sống hiện đại và đặc biệt là “không gian xanh”, thoáng đãng.
Trở lại câu chuyện nhiều bạn trẻ chọn Thủ Đức làm nơi an cư, bên cạnh những cơ hội phát triển sau khi có quy hoạch mới của Chính phủ và chính quyền TPHCM họ cũng kỳ vọng những hạn chế về giao thông sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai. Xa hơn nhiều bạn trẻ còn hướng đến việc học tập, làm việc của con cái sau này khi nơi đây hội tụ khá nhiều trường cao đẳng, đại học cũng như nhiều doanh nghiệp cần lao động có trình độ chuyên môn cao.