Thu hút đầu tư để hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội năm 2024

(ĐTTCO)-Theo Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, để hoàn thành mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, việc quan trọng là bố trí quỹ đất, quy định rõ hơn về chính sách ưu đãi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội,” đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Riêng trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn. Tuy vậy quá trình triển khai tại các địa phương hiện vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, nhất là các "trở lực" về quỹ đất, tiếp cận vốn ưu đãi...

Trao đổi về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết Bộ Xây dựng đang cố gắng khoảng trước ngày 1/7/2024 sẽ trình xin ý kiến Chính phủ về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), để nghị định sớm có hiệu lực, góp phần tháo gỡ các khó khăn liên quan đến bất động sản, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội.

Cần quyết tâm lớn từ địa phương, doanh nghiệp

- Xin ông cho biết giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, nhất là trong năm 2024?

Cục trưởng Hoàng Hải: Để sớm hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030," Nghị quyết số 01/NQ-CP về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024” đã nêu rất rõ là nỗ lực phấn đấu cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội ngay trong năm nay.

Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao từ các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cũng như doanh nghiệp.

Với tinh thần đó, theo tôi, các địa phương cần phải khẩn trương bổ sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch về phát triển nhà ở trên địa bàn; trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở cho công nhân cũng như người thu nhập thấp.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng và các tỉnh, thành phố mới đây, trên cơ sở mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024, Bộ Xây dựng cũng đã phân bổ rất rõ về số lượng căn hộ đối với các địa phương đồng thời đề nghị các địa phương cần phải có chỉ đạo quyết liệt để triển khai theo đúng mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương cần phải bố trí được quỹ đất để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư thì địa phương cần tiến hành lựa chọn chủ đầu tư để triển khai ngay hoạt động xây dựng. Đặc biệt với các dự án đã tiến hành khởi công xây dựng thì địa phương cần phải đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành sớm để đưa vào nghiệm thu, bàn giao.

Với quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, trường hợp đã có chủ đầu tư thì yêu cầu phải làm nhà ở xã hội; còn trong trường hợp bàn giao lại cho địa phương làm nhà ở xã hội thì địa phương cũng phải sớm tiến hành thu hồi để sớm có phương án triển khai, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Với các dự án phát triển nhà ở xã đã đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, thì việc triển khai tới đây ra sao, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Hải: Trên cả nước đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng...

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 01/NQ-CP đề ra, theo tôi, những dự án đã được vay vốn, đã triển khai thì phải gấp rút hoàn thành sớm và áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới để cố gắng rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí giá thành. Những dự án đã hoàn thành thì cần phải công bố danh mục, danh sách để người dân tiếp cận sớm và có thể đăng ký mua nhà ở xã hội.

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp, trong năm 2024, cả nước sẽ đạt được mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội.

Quy định rõ hơn về quỹ đất, chính sách ưu đãi

- Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” năm 2024, diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đã nêu 2 vấn đề vướng mắc nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình tham gia phát triển nhà ở xã hội - đó là quỹ đất, thủ tục hành chính và nguồn vốn. Xin hỏi những khó khăn này sẽ được giải quyết cụ thể thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Hải: Những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, nhà ở và cả vấn đề tín dụng trước đây, thực tế hiện nay cũng đã được nhận diện, điều chỉnh và đề cập trong Luật Nhà ở và Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên để triển khai chi tiết hơn, chúng tôi đang cố gắng khoảng trước ngày 1/7/2024 sẽ trình xin ý kiến Chính phủ về các nghị định hướng dẫn thi hành luật, để các nghị định sớm có hiệu lực, góp phần tháo gỡ các khó khăn liên quan đến bất động sản, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội.

Năm 2024 cả nước dự kiến hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong nghị định, các vấn đề về quỹ đất, vấn đề ưu đãi đối với chủ đầu tư, đối tượng và điều kiện của người được mua nhà ở xã hội, giá bán nhà ở xã hội sẽ được quy định cụ thể. Những vấn đề này cũng đã được đề cập trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), tuy nhiên trong các nghị định hướng dẫn thi hành tới đây sẽ được quy định chi tiết hơn.

- Ông có thể nói rõ hơn về những điểm nổi bật sẽ được đề cập trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay?

Cục trưởng Hoàng Hải: Ví dụ vấn đề quỹ đất trước đây luật quy định có phần hơi “cứng nhắc” thì nay đã “mở” hơn. Tới đây nghị định sẽ quy định rõ về các trường hợp phải dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại.

Ngoài ra tại các dự án độc lập bên ngoài, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng có quyền chủ động bố trí quỹ đất trên cơ sở nhu cầu phát triển nhà ở và phân bổ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội phù hợp.

Tiếp theo là chính sách ưu đãi. Quan trọng nhất là chính sách làm sao thu hút được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội tham gia thì các nghị định hướng dẫn tới đây sẽ làm, quy định rõ và chi tiết hơn.

Theo đó nghị định hướng dẫn luật tới đây sẽ có những quy định, điểm mới khuyến khích, thu hút nhà đầu tư vào đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử như vấn đề bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại; vấn đề giá bán sẽ được tính đúng, tính đủ; thời điểm xác định giá bán và đối tượng, điều kiện để được mua nhà ở xã hội sẽ được đơn giản hóa hơn theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, vấn đề phát triển nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp cũng sẽ được mở rộng đối tượng được đầu tư. Theo đó nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương có thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay các lực lượng vũ trang.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Các tin khác