Tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách ước đạt 833.165 tỷ đồng, bằng 66,4% so với dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 805.649 tỷ đồng, bằng 66,1% so với dự toán, bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Một số khoản thu từ phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng theo quy định các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu 9 tháng đầu năm như: thu từ dầu thô (ước đạt 78,2% dự toán); thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại (ước đạt 73,1%); chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 101,9% dự toán); thu xổ số ước đạt 88,7% dự toán. Nếu loại trừ các khoản trên thì thu thuế, phí lũy kế 9 tháng chỉ đạt được 61% dự toán năm, bằng 90% cùng kỳ.
Ngoài ra, truy thu nợ thuế tồn đọng cũng đóng góp đáng kể vào tỷ lệ cơ cấu nguồn thu. Ước tính 9 tháng đầu năm, thu nợ của ngành thuế đạt 20.292 tỷ đồng, bằng 60% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ 14.004 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 6.288 tỷ đồng.
Về nguyên nhân của sự suy giảm nguồn thu nói trên, theo Tổng cục Thuế do 9 tháng đầu năm 2020 nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân càng khiến số thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và đến nay vẫn chưa phục hồi.
Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tập trung lực lượng cho công tác quản lý thu, chống thất thu như: kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế trên hệ thống quản lý người nộp thuế, tập trung thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp có rủi ro cao, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước để trục lợi, vi phạm pháp luật thuế…