Theo đó, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí (từ vành đai 3 vào trung tâm) khoảng 2.646 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí với 456,27 tỉ đồng; giai đoạn 2 xây 59 trạm tại 46 vị trí với 1.794 tỉ đồng và giai đoạn 3 hoàn chỉnh thêm 13 trạm tại 13 vị trí với 395,43 tỉ đồng.
Giai đoạn thí điểm sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách TP, lắp đặt các trạm thu phí tại các nút giao trọng điểm, thường xuyên ùn tắc. Giai đoạn 2 và 3 đầu tư bằng ngân sách hoặc thu hút nhà đầu tư.
Đề án tạm thời xác định tổng tiền phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc thu hằng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại.
Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 1.175 tỉ đồng/năm, giai đoạn 3 khoảng 1.326 tỉ đồng/năm.
Theo đơn vị tư vấn đề xuất xem xét mức thu phí linh hoạt thay đổi theo các khung giờ, cao điểm và thấp điểm. Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả phương tiện.
Cụ thể, mức phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần): đối với các ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) đề xuất từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Đối với ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt. Các ngày cuối tuần và ngày lễ không thu phí.
Các phương tiện được giảm phí theo đề xuất là ô tô kinh doanh vận tải, gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại; ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực; ô tô của cơ quan công sở trong khu vực (sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường).
Đối tượng miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội...), xe công vụ và xe buýt công cộng.