Thủ Thiêm phải là đô thị “sống được”

(ĐTTCO) - Nằm tại vị trí khá đắc địa, dự án kiểu mẫu đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại và đã xây dựng hoàn thiện, nhưng khu tái định cư 38,4ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn không có ai vào ở, một số tòa nhà đã bắt đầu xuống cấp. 
Khu tái định cư 38,4ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Khu tái định cư 38,4ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Câu hỏi đặt ra: liệu khu tái định cư này có thật sự là nơi lưu trú lâu dài và thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của cư dân đô thị? Hay nói ngắn gọn, khu đô thị này có “sống được”?
“Sống được” nghĩa là gì?
Thật ra, “sống được” là nội hàm quan trọng trong quản lý đô thị, phát xuất từ thuật ngữ tiếng Anh “Liveable” hay “Liveability”, trong thời gian dài bị hiểu sai và dịch thành cụm từ nghe rất cao siêu “đáng sống”. 
Theo định nghĩa được nhiều chuyên gia thống nhất, một khu đô thị/thành phố “sống được” sẽ giúp những người ở đó cảm thấy khỏe mạnh, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn. Một cách tự nhiên, người ta thường quan tâm đến những đặc điểm mang tính vật chất và hữu hình như thổ nhưỡng, vị trí đất đai, hình thức xây dựng, khả năng bảo tồn không gian công cộng và môi trường tự nhiên, mạng lưới giao thông, khả năng tìm việc làm, giáo dục, y tế và các dịch vụ cộng đồng và các cơ hội xã hội và giải trí.
Điều đáng tiếc, ở nhiều quốc gia đang phát triển, cơ quan chức năng phụ trách về quy hoạch và tái định cư lại quên đi những yếu tố “mềm”, hay vô hình như những đặc điểm văn hóa và xã hội rộng hơn của các địa điểm, cộng đồng trong các thành phố. Các đặc điểm văn hóa của thành phố phản ánh cả lịch sử và cách sống hiện tại của cư dân, những giá trị và ý nghĩa gắn liền với nơi ăn chốn ở, hiện vật, hoạt động hay sự kiện, những ứng dụng công nghệ và mối tương tác với môi trường tự nhiên. Dù những yếu tố vật chất đóng một phần quan trọng, nhưng hiệu ứng văn hóa xã hội được hình thành và phát triển trong đời sống cư dân mới thực sự là những chỉ báo đo lường sức sống của một thành phố. 

Nhìn từ Singapore  
Thực tiễn đã cho thấy, những thành phố hỗ trợ cuộc sống lành mạnh, hòa nhập xã hội, sự tham gia của cư dân và cung cấp nơi ăn chốn ở chất lượng tốt, môi trường giáo dục lành mạnh, cơ hội việc làm, đi lại dễ dàng và đầy đủ tiện ích, sẽ có nhiều khả năng phát triển, thu hút và giữ chân người tài, nhất là doanh nhân dám nghĩ dám làm, hoạt động kinh doanh và sáng tạo. Singapore là thí dụ sinh động về vai trò của môi trường xã hội làm nền tảng cho sự phát triển của một thành phố. Nhiều người nước ngoài đã lập nghiệp ở đảo Sư tử sau thời gian dài vẫn chưa thể trở về quê hương bởi những ràng buộc về gia đình, điều kiện học hành của con cái, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp của bản thân và môi trường văn hóa xã hội công bằng, trọng dụng hiền tài và tạo điều kiện phát triển cho mọi người.
Theo một cuộc khảo sát được công bố đầu năm nay của Công ty Tư vấn nguồn nhân lực ECA International, Singapore tiếp tục duy trì vị trí thành phố “sống được” nhất đối với người nước ngoài (expat) ở châu Á trong 15 năm liên tiếp. Bảng xếp hạng này dựa trên đánh giá của 490 địa điểm trên toàn thế giới về các yếu tố như khí hậu, sự sẵn có của các dịch vụ y tế, nhà ở và tiện ích, an toàn cá nhân, quyền truy cập vào mạng xã hội và các tiện nghi giải trí. Thế nhưng, sẽ có bộ phận không nhỏ người Singapore không hoàn toàn đồng ý với khảo sát này, bởi lẽ phần lớn “expat” là những người được trả lương cao với phụ cấp thỏa đáng về nhà ở hay học hành cho con cái. 
Thật vậy, dù chính phủ Singapore đã cố gắng hỗ trợ và cung cấp dịch vụ y tế và cộng đồng cho mọi tầng lớp nhân dân kể cả người già, trẻ em, người tàn tật, nhưng vẫn có không ít người Singapore cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau. Với người dân thu nhập thấp, Singapore có nguy cơ trở thành một thành phố không “sống được” vì chi phí sinh hoạt luôn theo chiều hướng tăng. Giá bất động sản cao cũng làm nhiều người nghèo đi vì số tiền dành dụm để mua nhà phải nhiều và thời gian trả góp cũng sẽ dài hơn. 

Bài học từ Thủ Thiêm
Từ những định nghĩa và khái niệm căn bản về một thành phố “sống được”, chúng ta có thể hiểu hơn vì sao những khu đô thị tái định cư như Thủ Thiêm vẫn chưa có người ở, là do người dân cảm thấy không có gì gắn bó với những tòa nhà cao tầng hiện đại nhưng vô hồn. Lẽ ra khi quy hoạch, những người có trách nhiệm ngoài việc tính chuyện người dân tái định cư sẽ ở đâu, còn phải tính đến những vấn đề văn hóa xã hội và cộng đồng, không chỉ đơn thuần là xây căn hộ chung cư. Như vậy, bài học rút ra cho công tác quy hoạch của TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung, sẽ phải có tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ cho việc tái định cư của người dân. Nói cách khác, tái định cư sẽ là phần phản biện quan trọng trong các dự án liên quan đến việc đền bù giải tỏa. 
Được biết tại Thủ Thiêm, nhiều người dân thuộc diện đền bù nhưng không đủ tiền mua nền tái định cư bởi giá bán khá đắt đỏ, nên người nghèo mua rồi đành bán lại suất nhà của mình cho người khác. Nhưng với những người có đủ khả năng vẫn còn phân vân liệu nơi đây có “sống được”, vì chi tiêu cho lối sống hiện đại sẽ cao hơn so với trước đây. Vấn đề ở chỗ, khi ở trong một khu đô thị đẳng cấp như vậy, họ phải làm gì ra tiền để có thể chi trả cho những dịch vụ họ chưa sẵn sàng tận hưởng về mặt tâm lý. Và với những người có tiền mua căn hộ để ở hay đầu tư cho thuê, vẫn chưa ai biết được “bản sắc” của khu đô thị này và cư dân ở đây sẽ được hưởng những tiện ích gì.
Cho đến nay, các giải pháp được đề nghị cho hiện trạng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn mang tính chất hành chính và thương mại, tức cho bán đấu giá hay bán từng căn hộ trực tiếp cho người dân. Nhưng để cho khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành quần thể có sức sống, chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp làm chủ đầu tư và cả người dân, cần dành thời gian ngồi lại với nhau để bàn bạc, đối thoại và định hình lại mô hình phát triển, từ thiết kế quy hoạch cục bộ và tổng thể, cho đến không gian sinh hoạt, tổ chức xã hội cộng đồng, hoạt động kinh tế và kinh doanh trong và ngoài khu đô thị, gắn với hướng phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai. 

Các tin khác