Thủ tướng: Nâng cao vai trò của NHTM trong phát triển thị trường TPDN lành mạnh

(ĐTTCO)- Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có phát biểu với những định hướng quan trọng về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Thủ tướng: Nâng cao vai trò của NHTM trong phát triển thị trường TPDN lành mạnh

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng thương mại (NHTM), gắn với mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Thúc đẩy thị trường TPDN, góp động lực cho phục hồi

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hệ thống các NHTM có vai trò tham gia phát triển thị trường TPDN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là trong bối cảnh quy mô thị trường này của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ mới chỉ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường TPDN cần đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Trong định hướng trên, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ phải phân biệt giữa TPDN phát hành bởi các NHTM và các định chế tài chính với các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm.

Cùng đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Đây chính là một nguồn lực góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Và về lâu dài, thị trường TPDN Việt Nam cần phát triển và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra nói trên, để phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Liên quan đến sự phân biệt trái phiếu do các ngân hàng và các định chế tài chính phát hành, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: Trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ.

Trên thị trường, nhiều năm qua TPDN do các NHTM và định chế tài chính phát hành đóng vai trò tạo lập khi chiếm tỷ trọng lớn, với độ an toàn cao và đã thiết lập được một kênh đầu tư hấp dẫn khi thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia.

TPDN do ngân hàng phát hành có độ an toàn như gửi tiết kiệm, người sở hữu trái phiếu có quyền lợi được bảo đảm như người gửi tiền và thường có lãi suất cao hơn. NHTM là nhà phát hành phải tuân thủ các quy định ngày càng cao theo các chuẩn mực quốc tế về an toàn hoạt động, về công khai và minh bạch; chịu sự giám sát chặt chẽ và toàn diện của Ngân hàng Nhà nước; được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu trên thế giới định kỳ đánh giá và cập nhật về tình hình hoạt động.

Theo quy định hiện hành, sự phân biệt giữa TPDN do các NHTM phát hành với các trái phiếu khác cũng được Ngân hàng Nhà nước xác định rõ tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng. Theo đó, các NHTM không phải trích lập dự phòng chung đối với trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Đây chính là một nguồn lực góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Và về lâu dài, thị trường TPDN Việt Nam cần phát triển và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra nói trên, để phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong quá trình hoạt động, trái phiếu là một công cụ tài chính của các NHTM, phát hành để huy động nguồn vốn trung dài hạn, gắn với giới hạn mà Ngân hàng Nhà nước rà soát và cho phép hàng năm, cho các mục đích sử dụng vốn cụ thể.

Tại các NHTM nhà nước như Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV, TPDN được phát hành thường xuyên nhiều năm qua, trong đó có một mục đích bổ sung nguồn cho vốn tự có cấp 2 để cân đối hệ số an toàn vốn (CAR) khi quá trình tăng vốn điều lệ không thuận lợi.

Qua các giai đoạn phát triển, TPDN do các NHTM phát hành ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai những năm gần đây và hiện nay (sau nhóm ngành bất động sản). Đây cũng sẽ là nguồn hàng lực chủ lực cho sàn giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào vận hành từ ngày 19/7 này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: NHNN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: NHNN

Bước tiến mới cho thị trường TPDN

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các đầu mối chuyên trách đã có những bước đi cần thiết trong hoàn thiện các khung khổ pháp lý, hỗ trợ xử lý khó khăn và tiếp tục phát triển thị trường TPDN. Tuy nhiên, vẫn còn một số yêu cầu tiếp tục thực hiện thời gian tới, trong đó phải nhanh chóng ban hành chính sách xử lý vấn đề còn thiếu trong Thông tư 02 (về cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại các TCTD) chưa quy định cho TPDN.

Cùng đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển thị trường TPDN niêm yết – một bước thúc đẩy quan trọng cho thị trường này.

Như trên, từ ngày 19/7, sàn giao dịch TPDN chính thức vận hành sẽ thiết lập một hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung; qua đó góp phần tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản và tạo thêm một bước tiến cần thiết trong chiến lược phát triển thị trường TPDN hiệu quả, minh bạch và bền vững.

Tại hội nghị sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức ngày 13/7 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, thị trường TPDN Việt Nam hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên. Việc vận hành sàn giao dịch, với những giá trị về tăng minh bạch và tăng tính thanh khoản, được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng hơn nữa quy mô niêm yết và quy mô giao dịch trong thời gian tới.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị, thời gian tới các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, tạo niềm tin với nhà đầu tư.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 2 vừa qua đã có thêm 20 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 11.756 tỷ đồng, cùng 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng; nối tiếp tuần đầu tháng 7 này có thêm đợt phát hành riêng lẻ trị giá 400 tỷ đồng.

Qua những khó khăn và biến động, thị trường TPDN đang từng bước phục hồi. Dù vậy, theo số liệu của VBMA, quy mô thị trường hiện chỉ đạt 11,79% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (26,1%), Malaysia (53,6%).

Để đạt mục tiêu tối thiểu 20% GDP mà Chính phủ đã đề ra, thị trường TPDN Việt Nam đang cần những bước tăng trưởng một cách bền vững và hiệu quả. Cùng với hoàn thiện các chính sách, việc phân biệt về uy tín và chất lượng của nhà phát hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tốt tham gia cũng là một yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra cho giai đoạn hiện nay.

Các tin khác