Ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với TPHCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, về công tác phòng chống dịch Covid-19.
2 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TPHCM
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2021, dự báo dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát. Có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Ở phía Bắc, Hà Nội đã kiểm soát tốt. Bắc Giang, Bắc Ninh tình hình cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định.
Riêng tại TPHCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi. Trong đó có các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao TPHCM đã lập Trung tâm Điều hành, điều phối công tác xét nghiệm, nhưng cần lập các tổ điều phối xét nghiệm tại cấp quận huyện, để xét nghiệm nhanh hơn nữa, bởi quy mô dân số TP rất lớn.
Đồng thời lưu ý TPHCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận huyện và xã phường, phát huy vai trò của các tổ Covid-19 trong cộng đồng và các nhà máy.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, khi phát hiện ca nghi mắc thì xét nghiệm khẳng định bằng máy PCR. Việc sử dụng test kháng nguyên nhanh trong đợt dịch này rất hiệu quả vì với biến chủng mới, lượng virus có mật độ rất lớn trong mẫu của các ca mắc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của các tỉnh có dịch, trong đó có TPHCM và các tỉnh lân cận, các lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán, khó lường tại khu vực TPHCM và các tỉnh xung quanh. Nếu không có biện pháp điều chỉnh nhanh, tích cực, hiệu quả hơn thì tình hình sẽ mất kiểm soát.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình dịch bệnh tại TPHCM có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực. Đồng thời việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho hiệu quả.
“Dịch bệnh tại miền Bắc đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi, cần tập trung cao nhất cho TPHCM”. Thủ tướng nhấn mạnh và giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TPHCM.
Căn cứ tình hình cụ thể, TPHCM và các địa phương điều chỉnh cách thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, có thể giao Phó Chủ tịch, Chủ tịch hoặc Bí thư phụ trách.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số địa phương có kinh nghiệm phòng chống dịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, ưu tiên chi viện các lực lượng thiện chiến cho TPHCM và các địa phương trong vùng.
Cách ly, phong tỏa, giãn cách phù hợp
Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đặc biệt là với TPHCM có hơn 10 triệu dân, là trung tâm giao thương rất lớn, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống dịch luôn khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước.
Làm tốt hơn nữa yêu cầu “4 tại chỗ”, tránh bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra.
Chính phủ và các bộ ngành sẽ tháo gỡ, xử lý mọi khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).
Thủ tướng cũng cho rằng, các cấp cần căn cứ các hướng dẫn, quy định chung của cấp trên để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các giải pháp. Như vừa qua TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 10 trên cơ sở các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vừa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ của cấp trên, vừa phát huy tính sáng tạo, chủ động của cấp dưới để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
"Tinh thần là xã lo cho xã, huyện lo cho huyện, tỉnh lo cho tỉnh, cấp trên không bỏ rơi cấp dưới, cấp dưới không ỷ lại cấp trên. Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ và rộng rãi, vừa làm vừa hoàn thiện dần. Thí điểm việc tự xét nghiệm, cách ly F1 tại nhà", Thủ tướng chỉ đạo.
Ông cũng yêu cầu, khi tiến hành các giải pháp nếu liên quan tới nhiều địa phương, TPHCM và các tỉnh lân cận cần hết sức cân nhắc, chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để đảm bảo lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, người di chuyển qua lại phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.
Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, Thủ tướng yêu cầu căn cứ các quy định chung và trên cơ sở tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương để tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Trong bối cảnh nguồn cung vaccine được dự báo sẽ rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu cho tới tháng 9, Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ ngành đang rất tích cực để triển khai chiến lược vaccine, đồng thời khuyến khích các địa phương chủ động tiếp cận, đưa vaccine về Việt Nam nhiều nhất, nhanh nhất có thể.
Bộ Y tế phải là đầu mối kiểm soát chất lượng, kiểm tra, cấp phép, lưu trữ, bảo quản, đặc biệt phải tổ chức chặt chẽ, tập huấn kỹ càng, triển khai chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả.